Sử dụng khoáng hợp lý

Sử dụng khoáng hợp lý
Chất khoáng trong thức ăn mặc dù chiếm tỷ lệ không cao, giá trị năng lượng cũng thấp. Tuy nhiên, đây lại là thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng, sinh sản và sản xuất của vật nuôi.

Đặc điểm

Chất khoáng có vai trò quan trọng trong các quá trình trao đổi chất khác nhau của cơ thể vật nuôi. Chúng tham gia cấu trúc bộ khung cơ thể như Ca, P cấu trúc xương, duy trì áp suất thẩm thấu, cân bằng kiềm-acid trong và ngoài tế bào như: K, Na, Cl... Ngoài ra, chất khoáng còn tham gia cấu trúc protein chức năng như hemoglobin, myoglobin, các enzyme, kích thích tố (hormone) để xúc tác, điều khiển các phản ứng sinh học luôn xảy ra trong cơ thể vật nuôi. Các chất khoáng có trong hầu hết các loại thức ăn nguồn gốc động, thực vật, nhưng số lượng và đặc biệt độ hữu dụng sinh học của các nguyên tố khoáng rất khác nhau tùy theo loại thức ăn. Thông thường, có hai phương pháp để bổ sung các nguyên tố vi lượng là các nguồn vô cơ và hữu cơ. Các nguồn vô cơ là các sunphat, oxit, clorua, cacbonat của nguyên tố. Tuy nhiên, độ hữu dụng sinh học của các nguyên tố khoáng dưới dạng các hợp chất vô cơ dao động rất lớn, phụ thuộc vào dạng hợp chất của chúng. Các loại khác thường được gọi là “Chelates”. Khoáng chất chelate là các khoáng chất vi lượng hữu cơ được thiết kế để tăng cường hấp thu đường ruột và cải thiện độ hữu dụng sinh học.

Các khoáng chất vô cơ có thể tương tác với chất xơ, phytate, tanin, oxalate, silicat hoặc các khoáng chất khác trong đường tiêu hóa làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của chúng. Trong khi, khoáng hữu cơ được bảo vệ khỏi những tương tác như vậy, từ đó tăng độ hữu dụng sinh học. Khoáng chất vi lượng hữu cơ thường được sử dụng trong dinh dưỡng động vật là sắt, đồng, kẽm, mangan, crôm và selen.

Chất khoáng chứa vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của vật nuôi Ảnh: Furina
Chất khoáng chứa vai trò quan trọng trong khẩu phần ăn của vật nuôi     Ảnh: Furina
 

Vai trò

Những tác động tích cực của khoáng chất hữu cơ đến năng suất vật nuôi chủ yếu là do độ hữu dụng sinh học cao hơn so với các nguồn vô cơ. Các nghiên cứu cho thấy rằng kết hợp Cu, Zn, Fe và Mn với axit amin và peptide có thể tăng cường độ hữu dụng sinh học của các khoáng chất vi lượng, do đó dẫn đến cải thiện sản xuất sữa, tăng khả năng sinh trưởng, sinh sản và tình trạng sức khỏe nói chung trong chăn nuôi.

Khoáng chất hữu cơ đã được chứng minh là có lợi trong một loạt các ứng dụng trong động vật nhai lại. Cụ thể, chúng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng chất lượng sữa và hiệu quả sinh sản cao hơn. Một giá trị về độ hữu dụng tương đối của Cu và Zn từ Cu-methionine và Zn-methionine được tìm thấy cho kết quả cao hơn 33% và 52% so với đồng vô cơ và kẽm sunphat trên đối tượng nghiên cứu là cừa cái (Pal et al., 2010). Nhiều nghiên cứu (Nocek và cộng sự, 2006; Griffiths và cộng sự, 2007; Siciliano-jones và cộng sự, 2008; Hackbart và cộng sự, 2010) đã cho thấy tác động tích cực đến năng suất sữa bằng cách bổ sung khoáng vi lượng hữu cơ trên bò sữa. Bò được cung cấp các khoáng chất vi lượng hữu cơ có hàm lượng chất béo sữa cao hơn so với bò được cung cấp các chất dinh dưỡng vô cơ. Với cùng mức bổ sung cho bò: Zn (15 mg/kg), Mn (20 mg/kg) và Cu (10 mg/kg) từ các nguồn chelated cho kết quả về sản lượng sữa cao hơn (11%), chất béo sữa và tỷ lệ protein (cả hai đều cao hơn và xấp xỉ 7%) khi so sánh với các nguồn vô cơ (El Ashry và cộng sự, 2012).

Một số nghiên cứu mới đây cũng cho kết quả khoáng vi lượng hữu cơ cải thiện các chỉ số sinh sản khác nhau ở bò, bao gồm sự gia tăng tỷ lệ có thai (Nocek và cộng sự, 2006; Defrain et al., 2009), giảm số ngày động dục xuống sau khi sinh đầu tiên (Campbell và cộng sự, 1999). Do đó, việc bổ sung khoáng chất thông qua các nguồn hữu cơ có thể hiệu quả hơn trong việc cải thiện các vấn đề sinh sản ở động vật nhai lại. Kẽm hữu cơ có lợi trong việc tăng cường sức đề kháng của vật nuôi với bệnh viêm vú. Sức khỏe vú có thể được cải thiện thông qua việc giảm số lượng tế bào soma trong đàn bằng cách bổ sung các nguồn khoáng hữu cơ. Bổ sung Zn-methionine đã làm giảm 22% số lượng tế bào soma khi cho ăn ở mức thấp hơn và giảm 50% số lượng tế bào soma khi cho ăn mức Zn-methionine cao hơn.

Mặc dù động vật chỉ cần một lượng crôm (Cr) để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tối ưu của nó, nhưng đây cũng không phải là điều dễ dàng để đáp ứng bởi độ hữu dụng sinh học của Cr vô cơ nghèo (0,4 - 3%). Do đó, một số sản phẩm Cr hữu cơ, ví dụ như men Cr, chelated-Cr, Cr-picolinate, Cr-nicotinate đã được phát triển để khẳng định sự cải thiện về khả năng sinh học của Cr. Gần đây, một số nghiên cứu cho rằng Cr hữu cơ bổ sung có thể quan trọng trong dinh dưỡng của động vật nhai lại, đặc biệt là trong các điều kiện căng thẳng hoặc cho con bú sớm. Việc bổ sung Cr hữu cơ giúp cải thiện sức đề kháng hoặc tăng khả năng phục hồi, khả năng miễn dịch.

 

Bổ sung

Hiện, vi khoáng hữu cơ đang được ứng dụng từng bước rộng rãi trên thế giới bởi những đặc tính ưu việt. Nhiều báo cáo khoa học cho thấy để đáp ứng cùng một lượng vi khoáng trong khẩu phần thức ăn vật nuôi, vi khoáng hữu cơ chỉ cần một trọng lượng bằng một nửa so với vi khoáng vô cơ. Vì vậy, những nhà dinh dưỡng học chăn nuôi đang có xu hướng chuyển dịch sang vi khoáng hữu cơ nhằm tối ưu hóa công thức thức ăn chăn nuôi nhằm tiết kiệm khối lượng vi khoáng trong thức ăn, đồng thời giúp giảm thải ô nhiễm do khoáng của ngành chăn nuôi. Theo nghiên cứu, tỷ lệ hấp thu khoáng hữu cơ của động vật đạt đến 100%, do đó nếu tính toán đúng phân lượng thì tỷ lệ đào thải vi khoáng thông qua bài tiết sẽ giảm thiểu đến mức tối đa.

Mới đây, một nghiên cứu đã được thực hiện nhằm kiểm soát việc đưa khoáng hữu cơ vào khẩu phần ăn của heo từ 66,1 pound đến 110,2 pound, và ở gà trong giai đoạn sinh trưởng. Các phân tích chỉ ra rằng mức khoáng hữu cơ cần thiết cho hoạt động của động vật thấp hơn 33 - 50% so với các khoáng vô cơ. Theo ông Horacio Rostagno, Bộ môn Chăn nuôi tại Đại học Liên bang Vicosa (Brazil), cho biết: “Các khuyến cáo của chúng tôi đối với hàm lượng vi chất hữu cơ trong khẩu phần có thể thấp hơn hoặc bằng 50% lượng khoáng chất vô cơ được khuyến cáo, điều này dẫn đến khả năng sử dụng các khoáng chất của thú tốt nhất. Điều đầu tiên cần lưu ý là giảm lượng vi chất thải ra môi trường thông qua phân mà chúng ta có thể quan sát được trong chăn nuôi gia cầm, qua đó làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do sự lắng đọng chất thải”.

Khoáng hữu cơ dạng Chelate đã khắc phục được những hạn chế của khoáng vô cơ và có những ưu điểm: Độ hữu dụng sinh học cao; Không tương tác lẫn nhau và với các thành phần khác; Bền trong khoảng pH rộng của đường tiêu hóa; Tỷ lệ hấp thu cao, loại thải ra môi trường ít…

Nguồn: nguoichannuoi.com