Sử dụng vaccin cho gia súc, gia cầm đúng cách
- Thứ ba - 07/06/2016 20:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vaccin là chế phẩm sinh học chứa các mầm bệnh (virus, vi khuẩn) đã bị làm yếu (vaccin nhược độc) hoặc đã chết (vaccin vô hoạt) không còn khả năng sinh bệnh. Sau khi tiêm vào cơ thể, chế phẩm này kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu để chống lại bệnh (gọi là miễn dịch). Vì vậy việc sử dụng vaccin đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật bảo quản và sử dụng.
Một số lưu ý khi sử dụng
Mỗi loại vaccin chỉ phòng một loại bệnh nhất định và tùy từng loại vaccin sau khoảng 2 - 3 tuần thì cơ thể mới có khả năng miễn dịch. Vì vậy, khi mới tiêm vật nuôi vẫn có thể bị nhiễm bệnh, cần chú ý các khâu chăm sóc, cách ly với đàn vật nuôi khác và nên tiêm phòng 2 - 3 tuần trước khi vận chuyển đến vùng nuôi mới.
Trong quá trình nuôi, chỉ sử dụng vaccin cho những vật nuôi có tình trạng sức khỏe tốt, không tiêm vaccin với những con quá nhỏ. Bởi, cơ thể vật nuôi nhỏ chưa hoàn chỉnh nên khả năng đáp ứng miễn dịch còn rất yếu và đa phần chúng đang còn kháng thể cho mẹ truyền cho.
Vaccin được lắc đều trước khi tiêm - Ảnh: Thanh Ngân
Cùng đó, thực hiện phòng bệnh hàng năm đối với những vùng ổ dịch cũ, vùng thường phát sinh bệnh theo mùa. Những nơi chưa có dịch bệnh chỉ nên sử dụng vaccin vô hoạt. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng vaccin trước và sau khi sử dụng 12 giờ không sử dụng thuốc kháng sinh. Chỉ sử dụng vaccin khi vẫn đảm bảo chất lượng, không bị rạn nứt và hư hại trong quá trình bảo quản, không sử dụng vaccin đã hết hạn sử dụng.
Bảo quản và vận chuyển
Bảo quản vaccin là yếu tố quan trọng đặt nên hàng đầu, đặc biệt là những loại vaccin nhược độc. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản vaccin nhược độc < 00C, vaccin vô hoạt 2 - 80C. Nên sử dụng riêng tủ bảo quản vaccin và thường xuyên vệ sinh, sát trùng tủ nhằm đảm bảo vô trùng. Khi vận chuyển, cần giữ vaccin nơi mát, tránh ánh sáng trực tiếp. Vận chuyển xa phải sử dụng hộp xốp, phích đá để bảo quản, nếu gần thì bảo quản bằng túi nilon tối màu và đá giữ lạnh.
Kỹ thuật tiêm vaccin
Trước khi sử dụng cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ. Vệ sinh chân tay bằng xà phòng trước và sau khi sử dụng vaccin. Các dụng cụ đựng, pha chế vaccin, bơm tiêm cần khử trùng bằng phương pháp hấp hoặc luộc sau đó rửa lại bằng nước đun sôi để nguội, không sử dụng thuốc sát trùng.
Trước khi tiêm, lấy chai vaccin ra khỏi hộp xốp để nhiệt độ chai gần bằng nhiệt độ môi trường mới tiến hành tiêm.
Khi sử dụng vaccin có chất bổ trợ, keo lắng để kéo dài và tăng sức miễn dịch và cần phải lắc kỹ.
Trong quá trình tiêm cần tuân thủ 3 nguyên tắc: đúng đối tượng, đúng liều lượng và đúng vị trí theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sử dụng liều thấp thì lượng kháng thể sinh ra thấp dẫn đến khả năng đáp ứng miễn dịch thấp. Nếu sử dụng liều vaccin cao quá thì có thể làm tê liệt khả năng đáp ứng miễn dịch dẫn đến không có kháng thể miễn dịch. Có thể tiêm vaccin dưới da hoặc trong cơ. Vaccin được tiêm trong cơ thường hấp thu vào trong máu nhanh hơn so với tiêm dưới da. Để tránh thuốc tràn ra ngoài từ vị trí tiêm, nên kéo da qua một bên trước khi tiêm. Với gia súc thường tiêm ở cơ đùi, với gia cầm thường tiêm sau gáy, cơ cánh, cơ ức. Một số vaccin có thể dùng bằng cách phun sương, nhỏ mắt, mũi, miệng như vaccin Laxota, Gumboro…
Một số vaccin có thể dùng kết hợp, không phải trộn vào nhau mà tiêm cùng một lúc ở những vị trí khác nhau.
Lưu ý, sau khi tiêm phải để con vật ở nơi thoáng mát, tránh làm con vật hoảng sợ. Ghi chép đầy đủ thông tin liên quan trong quá trình sử dụng vaccin vào biểu mẫu tiêm phòng theo quy định.
Chai vaccin khi đã mở nắp chỉ sử dụng trong ngày, không hết phải bỏ đi. Nếu dùng vaccin nhược độc cho vật nuôi, tất cả vaccin thừa cần tập trung lại và tiêu hủy (dùng nhiệt hoặc hóa chất), các dụng cụ tiêm hoặc nhỏ vaccin phải rửa sạch và sát trùng ngay. Riêng vaccin nhược độc đông khô như vaccin dịch tả lợn, tai xanh… phải được pha bằng dung dịch pha của nhà sản xuất và sử dụng trong vòng 4 - 6 tiếng sau khi pha.
Đặc biệt, sau khi tiêm phòng, một số vật nuôi có biểu hiện mẫn cảm với thuốc, nên có phản ứng sốt, ói mửa, thở gấp, co giật hoặc chết; Do đó, cần chú ý theo dõi trong vòng 2 - 3 ngày để có những can thiệp kịp thời. Khẩn trương tiêm các loại thuốc chống sốc, trợ tim, trợ lực… có thể sử dụng một số thuốc khi xảy ra sốc như phenergan, adrenalin. Hiện, có nhiều phác đồ can thiệp khi gia súc bị phản ứng sau tiêm phòng; nhưng phổ biến nhất là 2 loại thuốc chống sốc gồm: Vinathazin (của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương I) hoặc Dimedrol, Adrenalin (của người), ngoài ra còn tiêm thêm VitaminB1, Calci-Mg-B6, tiêm truyền đường Glucoz 5 - 30%.
>> Việc lựa chọn vaccin, cách sử dụng vaccin cho gia súc, gia cầm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành thú y và là một trong những biện pháp cơ bản quan trọng trong quy trình phòng bệnh cho vật nuôi.
Nguyễn Nhung
Nguồn: nguoichannuoi.vn