Tăng hiệu quả khai thác bằng lưới rê hỗn hợp

(Thủy sản Việt Nam) - Khai thác bằng nghề lưới rê hỗn hợp là mô hình mới ở một số địa phương và đã khẳng định được nhiều ưu điểm như: thời gian đi biến ngắn, số lao động ít, chi phí nguyên liệu thấp và sản lượng khai thác cao.

Chuẩn bị khai thác

Tàu hoạt động khai thác hải sản bằng nghề lưới rê hỗn hợp là tàu vỏ gỗ, tuân thủ những quy định chung về phân cấp tàu cá và có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của cơ quan đăng kiểm.

Cần trang bị một số thiết bị hàng hải và thông tin liên lạc như: La bàn, ống nhòm, định vị vệ tinh, máy đo sâu, đàm thoại tầm gần, máy thu tời lưới. Nếu có điều kiện nên trang bị thêm: đàm thoại tầm xa, ra đa và một số trang thiết bị an toàn hàng hải. Nhân lực cần thiết tối thiểu trên tàu lưới rê hỗn hợp là 5 người, 1 thuyền trưởng và 4 thuyền viên.

Khai thác nghề lưới rê hỗn hợp có thể hoạt động quanh năm, mùa chính bắt đầu từ tháng 2 - 5 âm lịch và mùa phụ từ tháng 9 - 12 âm lịch. Ngư trường khai thác là vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu từ 30 m nước trở lên. Thời tiết phù hợp cho hoạt động khai thác nghề lưới rê hỗn hợp gió nhỏ hơn cấp 7.

Trước khi ra khơi cần chuẩn bị nhiên liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm, thuốc y tế dự phòng, dụng cụ bảo quản sản phẩm và các thiết bị cần thiết.

 Dựa vào mùa vụ và vị trí ngư trường đã được xác định, điều khiển tàu đến ngư trường. Khi tàu đến vị trí dự kiến, thuyền trưởng lựa chọn địa điểm thả lưới.

Neo tàu tại vị trí dự định thả lưới sau đó kiểm tra lại ngư cụ, trang thiết bị cần dùng khi thả lưới. Thông báo với tàu bạn vị trí dự định thả lưới của tàu bằng ám hiệu và thông tin.

Nghề lưới rê hỗn hợp có thể hoạt động quanh năm - Ảnh: Huy Hùng

 

Thả lưới

Khi tàu đến ngư trường, thuyền trưởng sẽ xác định khu vực và hướng thả lưới chặn ngang đường di chuyển của đối tượng trên nguyên tắc “tàu cuối gió, lưới cuối nước”.

Tốc độ tàu khi thả lưới 6,4 - 8 km/giờ đảm bảo lưới được thả căng theo hướng định sẵn. Khi xác định được địa điểm thả lưới, thuyền trưởng yêu cầu các thủy thủ vào vị trí và thực hiện công việc đã được phân công từ trước. Thủy thủ số 1 chuyển đầu lưới xuống phía đuôi tàu.

Thủy thủ số hai, liên kết cờ đầu lưới với dây giềng phao, kéo đầu lưới và phao cờ vào vị trí sẵn sàng thả lưới. Khi tàu đã vào vị trí thuyền trưởng ra lệnh thả lưới, lưới được thả bên mạn phải của tàu, thủy thủ này thả phao đầu lưới xuống nước; đồng thời kéo phần lưới đầu vàng thả xuống biển. Khi tàu chạy, dưới tác dụng của lực cản, lưới sẽ được kéo từ hầm lưới lên boong ra phía đuôi tàu và rơi xuống biển.

Trong quá trình thả lưới, thủy thủ số 3 chuyển phao ganh cho thủy thủ số 1 ném xuống biển ở bên mạn thả lưới. Thủy thủ số 2 ở vị trí phía đuôi tàu theo dõi lưới rơi xuống biển và xử lý các sự cố như phao ganh bị cuộn vào lưới hoặc giềng chì đè lên giềng phao… Thủy thủ số 4 quan sát, xử lý các tình huống sự cố bất ngờ và hỗ trợ các thủy thủ khác trong quá trình thả lưới.

Sau khi kết thúc thả lưới, tàu được buộc vào cuối của vàng lưới, cần phân công ca trực để giám sát tình trạng của lưới. Thời gian ngâm lưới 8 - 10 giờ. Quá trình ngâm lưới cần quan sát, theo dõi hoạt động của ngư cụ đề phòng trường hợp lưới bị đứt do có tàu qua lại hoặc vướng vào các chướng ngại vật di động.

 

Thu lưới

Quá trình thu lưới được tiến hành ngược lại với quá trình thả lưới. Lưới được thu bên mạn trái của tàu bằng tời thu lưới với tốc độ di chuyển của tàu 3,2 - 4,8 km/giờ.

Khi thu lưới, thuyền trưởng điều khiển tàu. Thủy thủ số 1 điều khiển máy tời. Thủy thủ số 2 và 3 sắp xếp thịt lưới và gỡ cá. Thủy thủ số 4 thu và xếp phao ganh.

Thuyền trưởng điều khiển tàu tiến tới phao cờ, thủy thủ số 3 thu phao cờ chuyển cho thủy thủ số 4, sau đó thu đầu dây giềng phao chuyển cho thủy thủ số 1.

Thủy thủ số 1 nhận được dây giềng phao lập tức cho vào tời thu lưới và điều khiển tốc độ máy tời để đảm bảo an toàn cho lưới và trang thiết bị. Lưới được thu nhờ sự ma sát tời thu lưới và tốc độ tàu tiến tới. Khi lưới được thu lên tàu, các thủy thủ số 2 và 3 thu và xếp lưới gọn gàng xuống hầm đồng thời tiến hành gỡ cá khỏi lưới và chuyển về vị trí tập kết sản phẩm. Thủy thủ số 4 thu và xếp phao ganh xuống hầm theo thứ tự nhất định. Lưới thu đến đâu tiến hành gỡ cá ra khỏi lưới và sắp xếp gọn gàng xuống hầm. Trong quá trình thao tác thu vàng lưới các thủy thủ có thể hoán đổi vị trí cho nhau.

Trong quá trình thu lưới cần xem xét vị trí cá tập trung để điều chỉnh thời gian trôi lưới, độ sâu làm việc của lưới cho phù hợp. Nếu cá tập trung nhiều phần trên thì điều chỉnh cho lưới hoạt động nổi hơn hoặc nếu cá tập trung nhiều ở phần dưới tiến hành thả lưới chìm hơn.

 

Bảo quản sản phẩm

Khi cá được đánh bắt lên tàu, tiến hành gỡ cá ra khỏi lưới và chuyển về khu vực tập kết, sau đó tiến hành phân loại cá. Đối với nghề lưới rê hỗn hợp, do thành phần loài đối tượng đánh bắt không nhiều (chủ yếu tập trung vào họ cá thu, ngừ) và kích thước của đối tượng đánh bắt khá lớn, không có sự khác biệt lớn trong cùng một đối tượng đánh bắt nên gần như không có công đoạn phân loại sản phẩm.

Sau khi phân loại sản phẩm, tiến hành rửa sạch nhớt và các chất bẩn khác bằng nước biển. Khi đã rửa sạch, đưa cá xuống hầm bảo quản, theo quy trình như sau: Đổ một lớp đá xay dưới đáy hầm bảo quản có độ dày 15 - 20 cm. Xếp một lớp cá vào hầm bảo quản sau đó đổ một lớp đá xay khoảng 10 cm trên cá và lần lượt xếp theo thứ tự 1 lớp cá, 1 lớp đá. Ở các vách hầm và lớp cá trên cùng phủ một lớp đá xay có độ dày 10 - 15 cm.

>> Nghề lưới rê hỗn hợp được khẳng định có hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu rất lớn, mỗi vàng lưới rê hỗn hợp từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng.

Gia Phong
http://thuysanvietnam.com.vn/