Thâm canh tổng hợp giúp tăng năng suất mía

Việc đưa các giống mía mới có năng suất, chữ đường cao; chống chịu tốt với sâu bệnh hại phổ biến, kết hợp biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp như làm đất, bón phân...

Việc đưa các giống mía mới có năng suất, chữ đường cao; chống chịu tốt với sâu bệnh hại phổ biến, kết hợp biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp như làm đất, bón phân, tưới nước, quản lý dịch hại... giúp năng suất tăng lên đáng kể, trung bình đạt 90 tấn/ha.

Theo báo cáo đánh giá kết quả dự án “Xây dựng mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” giai đoạn 2014 - 2016, năng suất trung bình tại các điểm mô hình đạt 90 tấn/ha với chữ đường đạt trên 11CCS. Hạch toán hiệu quả kinh tế bình quân trên 1ha tăng từ 30,9 - 100,2% so với diện tích ngoài mô hình.

Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Năng suất mía bình quân ở Việt Nam vẫn còn rất thấp (65,3%/ha), chỉ bằng ½ so với năng suất của các nước trên thế giới. Với năng suất như hiện nay, sản xuất mía ở Việt Nam vẫn chưa tận dụng khai thác hết lợi thế, tiềm năng của từng vùng, miền sản xuất, cũng như tiềm năng năng suất của những giống mía đã đưa vào sản xuất.

-nh-1120222590
Ông Trần Văn Khởi, Quyền GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án

-nh-1120222590


 

 

Ông Khởi cũng cho biết thêm, nguyên nhân chủ yếu là do chưa áp dụng thâm canh tổng hợp kết hợp với tưới nước. Kỹ thuật canh tác chưa phù hợp, chưa áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về giống, làm đất, đất trồng ít được bón vôi, phân hữu cơ và không được đầu tư thâm canh; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại chưa được quan tâm, khâu tưới nước chưa được chú trọng.

Do vậy, dự án "Xây dựng mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp cho cây mía phục vụ chế biến đường công nghiệp” được thực hiện tại 7 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai đã đem lại kết quả đáng mừng.

Tại Hòa Bình, sau khi dự án được triển khai năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã chọn điểm, chọn hộ trong vùng quy hoạch sản xuất mía nguyên liệu tại các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy và Tân Lạc. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống mía ROC10, ROC22; 50% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây mía.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình chia sẻ, trong những năm gần đây sản xuất cây mía gặp nhiều khó khăn, diện tích giảm mạnh, đầu tư thâm canh không được chú trọng chủ yếu do giá mía nguyên liệu thấp. Nhiều hộ chuyển sang trồng các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn như cam, bưởi, mía tím…

Theo ông Tuấn, dự án lần này sẽ giúp gỡ nút thắt, đưa cây mía đường trở lại vị trí quan trọng của mình. Đến nay, nhờ áp dụng phương pháp thâm canh tổng hợp, năng suất mía trung bình toàn dự án đạt 80,9 tấn/ha. Năm 2015 năng suất mía của tỉnh Hòa Bình đạt 88,3 tấn/ha nhờ áp dụng mô hình thâm canh có tưới. Dự kiến trong năm 2016, con số này chỉ đạt 76,5 tấn/ha nhưng vẫn cao hơn mía ngoài mô hình từ 13 - 22,9 tấn/ha.

-nh-312022140
Mô hình mía thâm canh tổng hợp ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình)
 

-nh-312022140

 

Là một trong những tỉnh trồng mía trọng điểm của cả nước, đến nay, tỉnh Thanh Hóa có hơn 30.000ha trồng mía đường phục vụ cho nhu cầu chế biến và sản xuất của 3 nhà máy đường. Ước tính năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha, với sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Qua 3 năm thực hiện dự án, năng suất mía đã đạt từ 75 - 95 tấn/ha, tăng 25 - 37% so với năng suất trung bình tại địa phương. Chữ đường đạt trên 11CCS, hiệu quả kinh tế tăng trên 30%, lãi của 3 năm cao hơn phương thức chăm sóc thông thường từ 9,5 - 12,6 triệu đồng/ha.

Ông Lê Văn Khoa, PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa cho biết các xã Xuân Châu và Thọ Lâm (huyện Thọ Xuân) đã nhân rộng mô hình trồng thâm canh lên 46ha/năm cho diện tích trồng mía mới, trong đó các kỹ thuật làm đất, chọn giống, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được thực hiện theo đúng kỹ thuật hướng dẫn, năng suất và chữ đường đạt vượt so với năm 2014, trung bình đạt 89 tấn/ha.

Ngoài ra, mô hình mía tưới nhỏ giọt đặt nổi hiện nay đã được các hộ nhân rộng lên 15 ha. Điển hình là gia đình ông Đào Văn Đường đã lắp đặt được 10ha mô hình tưới mía, năng suất tại mô hình (lưu gốc năm 2) đạt kỷ lục 125 tấn vào năm 2016.

Mô hình trồng thâm canh: Các giống có tiềm năng năng suất, thích ứng với vùng sản xuất nguyên liệu cho chế biến đường công nghiệp là ROC10, ROC22, các giống Quế đường, K83-29, KK3, K95-84 sẽ được sử dụng để trồng. Đồng thời áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật từ khâu thời vụ, làm đất, mật độ trồng, bón phân và chăm sóc theo quy trình thâm canh.

Mô hình tưới nước: Năm 2015, mô hình tưới thực hiện với quy mô 20ha, tổ chức 4 mô hình tại Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Mô hình được triển khai trên diện tích đầu tư trồng thâm canh năm 2015 hoặc trên diện tích mía lưu gốc năm 2. Áp dụng các biện pháp tưới có mức độ đầu tư hợp lý, đảm bảo có hiệu quả: Tưới nhỏ giọt qua đường ống nhựa lắp nổi trên mặt luống (hình thức tưới tiết kiệm) hoặc tưới phun.

 

ĐỖ THÙY MỴ
Nguồn: NNVN