Thận trọng nuôi tôm mùa nóng

(Thủy sản Việt Nam) - Nắng nóng kéo dài kèm theo những cơn mưa đột ngột là nguyên nhân gây phát sinh nhiều bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt là bệnh do vi khuẩn.
Hệ thống nhà màng hạn chế nóng cho tôm     Ảnh: NA

Tác động

Theo TS Chalor Limsuwan, Khoa Sinh học thủy sản, Đại học Kasetsart (Thái Lan) và cộng sự, khi nhiệt độ nước cao hơn 320C, tôm ăn mạnh và bài tiết nhanh làm cho khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn giảm. Bởi vậy, chất hữu cơ trong ao nuôi sẽ tăng lên và trở thành nguồn thức ăn cho vi sinh vật, làm chúng phát triển dưới nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, một số tôm di chuyển nhanh đã làm tiêu tốn nhiều năng lượng dành cho quá trình tăng trưởng. Trong trường hợp này, máy quạt nước không hoạt động hoặc không đủ công suất sẽ xảy ra sự phân tầng nước, phía trên mặt nước nhiệt độ cao, ở dưới có nhiệt độ thấp. Tôm sẽ tập trung xuống đáy ao trú ẩn để tránh nóng, gây hiện tượng thiếu ôxy. Mặt khác, đây cũng là nơi phát sinh các khí độc, vì vậy, tôm sẽ dễ nhiễm bệnh hơn.

Bên cạnh đó, nắng nóng cùng với độ mặn tăng cao làm các loại thủy sinh trong ao tôm bị chết và phân hủy nhanh là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, kéo theo sự biến đổi về độ trong của nước. Tảo xuất hiện với mật độ dày cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng do thiếu ôxy, nếu nặng sẽ chết hàng loạt.

Bệnh thường gặp

Trong điều kiện bất lợi như vậy, tôm nuôi sẽ rất nhạy cảm và dễ mắc một số bệnh nguy hiểm liên quan đến gan, ruột đặc biệt là bệnh phân trắng và hội chứng hoại tử gan tụy cấp.

Bệnh phân trắng: Là loại bệnh phổ biến trên tôm, thường xuất hiện vào thời điểm tôm nuôi được 50 ngày trở đi. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như nhiệt độ tăng cao, ao nuôi với mật độ cao nhiều chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho các loài tảo độc phát triển quá mức. Ngoài ra, chủng vi khuẩn Vibrio cũng là nguyên nhân gây bệnh.

Hội chứng hoại tử gan tụy cấp: Theo kinh nghiệm của nhiều trang trại, có rất nguyên nhân phát sinh mầm bệnh. Những thay đổi về nhiệt độ có thể là yếu tố khởi phát, bởi vi khuẩn gây ra hội chứng phát triển mạnh khi nhiệt độ tăng. Tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính là vi khuẩn Vibrio, khác với bình thường, nhóm vi khuẩn này có độc lực rất cao, phá hủy tế bào gan tụy, tôm chết nhanh, đột ngột, không kịp cứu chữa.

Giải pháp

Thực hành nuôi tốt được xem là một biện pháp hữu hiệu giúp tôm khỏe mạnh trong suốt mùa nóng nói riêng và cả quá trình nuôi nói chung. Bao gồm nhiều biện pháp từ lựa chọn con giống, chăm sóc, quản lý…

Ở thời tiết nắng nóng và nhiệt độ cao như hiện nay, chỉ nên thả nuôi mật độ vừa phải, duy trì và kiểm soát tảo tốt, ao nuôi tôm chỉ chiếm 40% diện tích vùng nuôi, ổn định lượng ôxy, giảm thức ăn dư thừa, tuyệt đối không dùng kháng sinh phòng bệnh, chỉ dùng chế phẩm sinh học, tỷ lệ thành công đạt 90%. Cách tốt nhất để cho ăn vào mùa nóng nên dựa trên nhu cầu thực sự của tôm chứ không dựa trên việc kiểm tra nhá. Tránh cho ăn khi trời quá nóng và cần điều chỉnh thời gian cho ăn vào sáng sớm, chiều muộn hoặc cho ăn nhiều hơn vào buổi tối.   

Cũng theo các chuyên gia, người nuôi cần áp dụng phương thức sản xuất hợp lý như nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi kết hợp với một số đối tượng thủy sản có khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng dư thừa, các loại hóa chất và khí độc trong ao như vẹm, cá rô phi, rong biển… Ngoài ra, cần dựa vào sự thay đổi của thời tiết để có những điều chỉnh kịp thời.

Khi nghi ngờ tôm trong ao nuôi bị bệnh do vi khuẩn cần:

- Kiểm tra mật độ khuẩn trong ao bằng đĩa thạch (môi trường chọn lọc) xem có phải do vi khuẩn gây ra hay không;

- Diệt khuẩn liều mạnh trong 2 ngày liên tục. Sau đó 3 ngày, tiến hành cấy men vi sinh. Men vi sinh cần được ủ với mật đường và sục khí 3 - 6 tiếng trước khi tạt xuống ao;

- Tăng cường ôxy bằng cách chạy quạt tối đa. Kiểm tra xem quạt đã hoạt động hết công suất chưa, vị trí lắp đặt đã phù hợp chưa. Bổ sung ôxy viên nếu cần;

- Phải đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong nước luôn ở mức trên 4 ppm;

- Ngưng cho ăn trong quá trình đánh diệt khuẩn, giảm lượng thức ăn khoảng 30 - 50% và cho ăn thức ăn trộn kháng sinh với liều khuyến cáo. Cho ăn đúng liệu trình trị bệnh trong 5 - 7 ngày và phải cách ly 1 tháng trước khi thu hoạch.

Trong trường hợp xác định tôm bệnh nặng cần thu hoạch. Lưu ý, không được phép sử dụng kháng sinh sẽ gây hiện tượng tồn dư trong thịt tôm.

Kim Tiến (Tổng hợp) 
http://thuysanvietnam.com.vn