Thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hệ thống đa chu kỳ (2 giai đoạn) trong bể xi măng và ao bạt

Thử nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hệ thống đa chu kỳ (2 giai đoạn) trong bể xi măng và ao bạt
Đây là Đề tài do Trường cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản (tại Bắc Ninh) thực hiện nhằm đa dạng hóa đối tượng cũng như cung cấp cho người nuôi mô hình tốt nhất.
 

Ương trong bể xi măng

Chuẩn bị bể ương

Bể có kích thước: 2,7 x 4,7 x 1,2 (m). Trong đó, có 8 bể ương tôm thẻ chân trắng và 4 bể xử lý nước (nước mặn và nước ngọt), có ống thoát nước, sục khí đầy đủ.

Tiến hành vệ sinh bể, chà rửa, quét sạch nước trong bể. Khử trùng bể bằng cách phun Formol với nồng độ 500 ppm, đậy bạt ủ trong 3 ngày, sau đó rửa lại bằng nước sạch đã qua xử lý. Lưu ý: Các dụng cụ trước khi sử dụng phải ngâm trong Chlorine 50 - 100 ppm.

Chuẩn bị nước ương tôm

Nước ngọt được bơm lên từ giếng khoan xử lý qua bể lọc xuống bể chứa. Tiến hành bón vôi CaO với liều lượng 2 - 4 kg/100 m3, sau đó được xử lý KMnO4 1 ppm rồi dùng Chlorine (25 - 30 ppm) có sục khí mạnh. Bơm nước qua túi lọc vào bể ương.

Nước mặn: Nguồn nước cung cấp là nước biển qua túi lọc lấy vào bể xử lý, khử trùng Chlorine (25 - 30 ppm) có sục khí mạnh. Nước đã qua xử lý trước khi sử dụng cần phải kiểm tra lại dư lượng các chất đã dùng. Nếu nước còn dư lượng Clo có thể dùng Thiosulfat (Na2S2O3.5H2O) trung hòa lượng Clo dư với tỷ lệ: Clo: Na2S2O3.5H2O là 1:7. Nguồn nước cấp vào trong các bể ương có độ kiềm dao động khoảng 50 - 65 mg/lít, không đảm bảo tiêu chuẩn cần phải sử dụng Alkaline/Sô đa (NaHCO3 hoặc Na2CO3) tăng độ kiềm nước bể ương lên khoảng 125 - 140 mg/lít.

Trong quá trình xử lý nước, bổ sung chế phẩm sinh học EM (80 - 100 ppm), EDTA (5 ppm), khoáng và vitamin (1ppm).

Trước khi thả giống khoảng 1 ngày, cần kiểm tra các thông số môi trường đảm bảo tiêu chuẩn.

Kiểm tra và thả tôm giống

Trước khi thả, kiểm tra phản xạ, khả năng bơi lội, tỷ lệ chết của tôm trong các túi vận chuyển. Mật độ ương tôm: 1.200 con/m2. Sau khi thả giống, dùng đèn pin quan sát tôm bám thành bể, hoạt động linh hoạt, khỏe mạnh, phản xạ nhanh với kích thích bằng tiếng động và ánh sáng.           

Cho ăn

Thức ăn được sử dụng đảm bảo chất lượng. Hai ngày đầu sau khi thả giống cần bổ sung Artemia cho tôm, chủ yếu là vào buổi tối. Hàng ngày, theo dõi hoạt động ăn của tôm, khả năng bắt mồi, điều kiện môi trường để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp,  xử lý hóa chất, xi phông thay nước, giảm 20 - 30% lượng thức ăn hàng ngày. Định kỳ bổ sung các khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn.

Quản lý môi trường bể ương

Các chỉ tiêu môi trường đảm bảo được duy trì ổn định. Nhiệt độ, pH được xác định ngày 2 lần, độ kiềm, độ mặn được đo ngày 1 lần, khí độc (NH3), ôxy hòa tan đo 1 tuần/lần

Kết quả thu hoạch tôm giống:

Dựa vào bảng trên có thể thấy, tỷ lệ sống của tôm khá cao, chất lượng tôm khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, đảm bảo đưa ra ao nuôi thương phẩm.

Nuôi tôm thương phẩm trong ao bạt

 Chuẩn bị ao bạt

Hệ thống ao được thiết kế gồm có 2 ao xử lý nước và 2 ao nuôi. Ở giữa các ao có lù xả đáy. Sau khi các ao nuôi được lót bạt, lắp đặt ống cấp nước, tiến hành dùng máy bơm vệ sinh, khử trùng ao nuôi bằng nước ngọt và Chlorine.

Chuẩn bị nước nuôi

Nước được lấy từ ao chứa, lắng qua hệ thống lọc cát vào ao. Tiến hành xử lý nước bằng Chlorine với liều lượng 25 ppm. Bổ sung đường mật, EM, Sô đa và Dolomite để gây màu nước cho ao.

Thả giống

Dùng vợt vớt tôm, tiến hành cân mẫu cho vào bao chứa, đóng khí. Mật độ thả 150 con/m2, 200 con/m2. Trước khi thả giống, vận hành máy quạt nước trước 2 giờ, tăng hàm lượng ôxy, tạo dòng chảy. Mang túi tôm giống ngâm trong nước ao khoảng 10 - 15 phút, sau đó mở túi để tôm từ từ bơi ra. Thả tôm giống ở đầu gió, thả vào buổi sáng hoặc chiều mát. Sau khi thả tôm quan sát hoạt động của tôm và tắt máy quạt nước, chỉ vận hành sục khí đáy.

Cho tôm ăn

Lựa chọn các loại thức ăn có chất lượng tốt, được sản xuất từ các doanh nghiệp có uy tín. Cho tôm ăn phải hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Cho ăn khoảng 5 lần/ngày. Lượng thức ăn được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của tôm. Điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp khi tôm đang trong thời kỳ lột xác, thời gian thay nước, hoặc thời tiết, môi trường ao nuôi có sự thay đổi. Bổ sung các loại vitamin và chất bổ dưỡng để kích thích tăng trưởng và tăng sức đề kháng cho tôm.

Quản lý môi trường

 Các chỉ tiêu môi trường đảm bảo được duy trì ổn định với các thông số: Nhiệt độ 20 - 320C, độ mặn 5 - 30‰ (tốt nhất từ 10 - 20‰), pH từ 7,5 - 8, ôxy hòa tan duy trì trên 4 mg/l, độ kiềm khoảng 80 - 120 mg/l.

Vì vậy, trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp cho tôm nuôi. Quá trình sục khí liên tục giúp cung cấp đủ hàm lượng ôxy hòa tan cho tôm. Ngưng sục khí trong khoảng thời gian cho tôm ăn.

Xi phông định kỳ 5 - 7 ngày/lần trong thời gian đầu mới thả tôm, khi kích thước tôm trên 10 g/con chế độ xi phông 3 - 5 ngày/lần, phụ thuộc vào chất lượng nước ao nuôi.

Phòng bệnh cho tôm

Thường xuyên vệ sinh sạch ao nuôi, khử trùng ao nuôi, nguồn nước nuôi tôm, các dụng cụ, thiết bị nuôi… Bổ sung định kỳ vào thức ăn, trong nước các chất tăng cường sức đề kháng cho tôm: Vitamin C, giải độc gan, men tiêu hóa, EM phân giải các thức ăn dư thừa, giảm pH…

 Kết quả thu hoạch tôm

Sau thời gian 50 ngày nuôi, kết quả nuôi tôm thẻ chân trắng giai đoạn 2 trong ao bạt đạt kết quả như sau:

 


>> Nghiên cứu trên đã đạt được thành công nhất định trong ương nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng. Tốc độ tăng trưởng của tôm khá cao dao động 0,2 - 0,35 g/con/ngày. Sau thời gian nuôi 50 ngày tỷ lệ sống của tôm cao nhất là 80,5% và thấp nhất là 75,2%. Cần nhân rộng mô hình nhằm phát triển sản xuất hiệu quả, mở rộng hướng đi mới cho người nuôi tôm.
Thái thuận 
Theo Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản
Nguồn: thuỷ sản việt nam