Trồng lúa hữu cơ - bước đầu thay đổi vị thế hạt gạo
- Thứ sáu - 17/03/2017 02:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vượt qua giới hạn tư duy trong sản xuất lúa
Cả cuộc đời gắn bó với đồng ruộng, dường như cây lúa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của lão nông Phan Công Chính - Giám đốc HTX NN Tân Bình. Chứng kiến bao thăng trầm của hạt gạo Việt Nam, ông Chính nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi để cứu lấy hạt gạo và cứu lấy chính mình. Con đường sản xuất lúa hữu cơ là con đường ông Chính lựa chọn.
Khoảng đầu năm 2016, nhận thấy thị trường xuất khẩu gạo đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước cũng ngày một cao hơn, ông Chính bắt đầu manh nha ý tưởng trồng lúa hữu cơ. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha với giống lúa Nàng Hoa 9. Do thiếu kinh nghiệm, ruộng lúa bị nhiều dịch hại tấn công nên vụ mùa đầu tiên, ông Chính chỉ thu được 3 tấn lúa/ha.
Ba tấn lúa vụ đầu được ông Chính xay xát và biếu tặng khắp nơi để làm marketing cho sản phẩm mới. Một công việc mà trước đây không phải là chuyên môn của một nông dân như ông Chính.
Ông Phan Thanh Tòng - thành viên HTX NN Tân Bình tâm sự: “Bản thân tôi mua được gạo hữu cơ ăn cũng thấy rất thích, vừa an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, người nông dân cũng nhẹ phần ảnh hưởng do chất hóa học”. Tuy nhiên khi được hỏi có đồng ý sản xuất theo hướng hữu cơ không, ông Tòng lại đặt vấn đề: “Sản xuất ra doanh nghiệp nào sẽ bao tiêu, trong khi sản xuất theo hướng hữu cơ rất nặng nhân công mà giờ nhân công hiếm do giới trẻ ở quê đi làm xa xứ nhiều quá rồi”.
Đây cũng chính là cách nghĩ mà nhiều nông dân vẫn còn e dè và nghi ngại với mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ.
Tuy nhiên, ông Phan Công Chính cho rằng: “Từ cách trồng lúa bình thường chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ là một quá trình đòi hỏi người nông dân phải thật sự tâm huyết và tin vào chuyện mình làm. Bởi có niềm tin thì mới đủ sức vượt qua những giới hạn và rào cản của chính mình. Ngoài tâm huyết thì người nông dân cần phải uy tín và trung thực với khách hàng. Đã sản xuất hữu cơ thì phải bỏ qua cái tư duy đặt nặng sản lượng, phải chịu khó thì giá trị hạt lúa của mình mới khác đi”.
Thay đổi số phận cho hạt gạo
Mặc dù hiện nay, hạt gạo được sản xuất theo hướng hữu cơ của ông Chính vẫn đang chờ xin thủ tục chứng nhận nhưng hiện đã có nhiều khách hàng tìm đến ông đặt vấn đề liên kết. Những nỗ lực và quyết tâm thay đổi của ông Chính bước đầu được người tiêu dùng ghi nhận, sự trợ lực từ chính quyền địa phương. Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, được sự hỗ trợ của địa phương và Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp, ông Chính mở rộng mô hình sản xuất lên 10ha. Thay vì lủi thủi làm một mình như những vụ trước, vụ mùa này ông Chính được xây dựng qui trình sản xuất bài bản, có sự hướng dẫn và tư vấn của các chuyên gia.
Sử dụng thuốc sinh học, nấm xanh, chất kích kháng, trồng hoa trên bờ ruộng để quản lý dịch hại, sử dụng phân hữu cơ là những cách làm mới giúp sản phẩm lúa gạo của mô hình thoát ly hoàn toàn phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - chuyên gia hỗ trợ tư vấn kỹ thuật mô hình cho rằng, lâu nay, nhiều quan niệm vẫn cho rằng sản xuất lúa hữu cơ nông dân sẽ tốn chi phí sản xuất hơn. Tuy nhiên, trên cùng 1ha diện tích ruộng sản xuất theo hướng hữu cơ chi phí 20,7 triệu đồng, năng suất 4,3 tấn, giá bán 10.500 đồng/kg. So sánh với sản xuất truyền thống chi phí thấp hơn 3,7 triệu đồng, năng suất thấp hơn 2,3 tấn nhưng giá bán cao hơn gấp đôi, từ đó lợi nhuận từ mô hình cũng cao hơn 10,8 triệu đồng/ha.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thanh Bình cho biết, sản xuất sạch và tiến tới sản xuất theo hướng hữu cơ đã trở thành xu hướng tất yếu trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn tới. Sắp tới, huyện sẽ quy hoạch vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở HTX NN Tân Bình, qui mô 100ha và tiếp tục nhân rộng ở những HTX có điều kiện phát triển.
Tại mô hình này, huyện sẽ hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường nước bê tông hóa nội đồng; hỗ trợ nông dân trang phẳng mặt ruộng bằng tia laze.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật thí nghiệm và Ứng dụng khoa học công nghệ, thuộc Sở Khoa học Công nghệ Đồng Tháp cho biết, nhằm giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bài bản, đúng quy trình, trong vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, Trung tâm đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên quy mô 10ha ở HTX NN Tân Bình, huyện Thanh Bình. Ở mô hình này, nông dân được sự hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng qui trình sản xuất từ Công ty An Điền, mô hình sẽ tiếp tục được duy trì ở vụ mùa tiếp theo để kiểm chứng hiệu quả. Sau khi có kết quả ở vụ mùa thứ hai, mô hình này sẽ được các nhà khoa học đánh giá và phản biện. Nếu được hội đồng thông qua thì quy trình sản xuất của mô hình sẽ được chuyển giao cho nông dân. Đối với HTX NN Tân Bình, đơn vị sẽ hướng dẫn HTX tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với mặt hàng lúa gạo được sản xuất theo quy trình hữu cơ để sản phẩm được thương mại hóa. Đây là một trong những giải pháp bước đầu giúp thay đổi vị thế cho hạt gạo mà tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực thực hiện ở đề án tái cơ cấu.
Theo Báo Đồng Tháp Online/bannhanong.vn