Tưới nhỏ giọt phủ xanh đất cằn

Tưới nhỏ giọt phủ xanh đất cằn
Tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm 50% lượng nước, mà còn giảm chi phí nhân công, giúp chủ động tưới.
 
Tưới nhỏ giọt phủ xanh đất cằn
Hệ thống tưới nhỏ giọt do Viện KHTL chuyển giao tại vùng cam Cao Phong (Hòa Bình)



Với nhiều tính ưu việt và tiết kiệm tới 50% chi phí so với tưới tràn, công nghệ tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt) do Viện Khoa học thủy lợi VN triển khai đang được nhiều vùng khó khăn về nước tưới quan tâm.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cam áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt do Viện chuyển giao công nghệ, anh Lý Đình Hưng (đội 7, Nông trường Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đánh giá, điều dễ nhận thấy nhất giữa vườn cam của anh với các vườn tưới tràn sau 1 năm áp dụng tưới nhỏ giọt là cam phát triển đều, mọc chồi khỏe, ít sâu bệnh và ít bị sốc hơn do thường xuyên được giữ ẩm. Tưới nhỏ giọt không chỉ tiết kiệm 50% lượng nước, mà còn giảm chi phí nhân công, giúp chủ động tưới.

Theo anh Hưng, mặc dù là cây trồng siêu lợi nhuận nhưng cam cũng ngốn rất nhiều nước tưới. Đối với cam trưởng thành đã cho thu hoạch, thời gian tưới vào mùa khô phải kéo dài liên tục từ tháng 1 đến tháng 4 DL, cam non chưa cho thu hoạch thường phải tưới dài hơn, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Trong khi đó, nguồn nước tưới cam chỉ có thể trông chờ vào các hồ chứa nhỏ trong vùng do khu vực này không thể khoan giếng ngầm. Tới tháng 3 hằng năm, các hồ nhỏ gần như cạn kiệt nước, các vườn cam chỉ trông vào nước trời. Vì vậy, việc tiết kiệm nước tại các hồ chứa là điều sống còn của vùng cam.

Trước đây vào mùa khô, cam thường phải tưới trung bình 1 lần/tuần. Mỗi lần tưới tràn, như vườn anh Hưng rộng 2,6 ha thường phải mất tối thiểu 2 ngày, mỗi ngày phải thuê 2 nhân công phụ trách 2 vòi tưới. Chỉ tính riêng tiền công, mỗi đợt tưới vườn, anh thường tốn 600 - 700 nghìn đồng tiền thuê người. Nếu tổng cộng chi phí tiền điện, mỗi đợt tưới mất từ 2,5 - 3 triệu đồng.

Viện Khoa học thủy lợi VN phối hợp với Cty Chế biến thực phẩm XK GOC thực hiện việc liên kết chuyển giao công nghệ tưới nhỏ giọt cho khoảng 18 ha đất đồi tại xã Tề Lễ (huyện Tam Nông, Phú Thọ). Đây vốn là vùng đất pha cát cằn cỗi, trước đây chỉ trồng bạch đàn, keo lai hoặc sắn.
Đã có 5 hộ dân ở đây liên kết với Cty áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để trồng cây Muồng Trâu (dùng làm trà uống nước) để chế biến XK qua Nhật Bản. Muồng Trâu là cây trồng cần tưới rất nhiều nước. Nhờ tưới nhỏ giọt, loại cây này đã phủ xanh vùng đất cằn cỗi Tề Lễ, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 5 lần so với cây trồng khác.

Vào mùa khô, đi thuê người tưới 150 - 200 nghìn đồng/ngày nhưng rất khó khăn. Bây giờ tưới nhỏ giọt, chỉ mở van một cái là hệ thống tự động tưới cho cả 2,6 ha, không cần phải mất tiền thuê nhân công và mỗi lần tưới cũng chỉ cần một ngày là xong.

Anh Hưng phân tích, nhiều người tưởng tưới nhỏ giọt thì lâu, nhưng thực ra lại nhanh hơn tưới tràn, bởi khi tưới tràn thì mỗi người phải cầm 1 vòi bơm dịch hết cây này sang cây khác, trong khi chỉ cần vặn van điều khiển một cái, hệ thống tưới nhỏ giọt có thể phục vụ một lúc cho hàng nghìn gốc cam, nên thời gian tưới ngắn hơn ½ so với tưới tràn.

Để đảm bảo thấm sâu đạt yêu cầu, hệ thống tưới có thể bố trí thành từng khu vực để tưới lặp lại 2h/lần. Sau 6 - 8 tiếng tưới nhỏ giọt, độ ngấm nước toàn vườn có thể đạt sâu trên 30 cm, sâu hơn cả so với tưới tràn như trước đây.

Tại vựa cam Cao Phong, ngoài hộ anh Hưng đã có một số nhà vườn khác mạnh dạn áp dụng công nghệ này. Ngoài ưu điểm tiết kiệm nước cho các hồ chứa cũng như chi phí tưới, tưới nhỏ giọt còn có thể giảm bớt công bón phân. Theo đó, đối với các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, ka li, các loại phân bón dạng nước... có thể áp dụng bón cho vườn nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng.

Hiện nay, một hệ thống đường ống dẫn nước từ trạm bơm ở các hồ chứa tại Cao Phong thường sẽ phải phục vụ cho rất nhiều hộ khác nhau. Vào ban ngày, hộ nào cũng tranh thủ tưới nên phải xếp hàng chờ. Tuy nhiên với hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần vặn mở van, nhà vườn có thể tưới bất kỳ lúc nào, kể cả ngày hay đêm.

Theo Viện Khoa học thủy lợi VN, chi phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt khoảng gần 50 triệu đồng/ha. Tuổi thọ của hệ thống này có thể kéo dài từ 10 - 12 năm, tương đương với 1 chu kỳ cây ăn quả như cam, vì thế rất phù hợp với khả năng đầu tư của người dân.









theo: nongnghiep.vn