Ứng dụng công nghệ cao phát triển nuôi tôm
- Thứ tư - 12/07/2017 20:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những năm gần đây, nông dân tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng nghệ cao vào nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, từng bước đối phó thiên tai, biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, làm chủ kỹ thuật, cho tỷ lệ thành công cao, đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/vụ.
Nhiều mô hình nuôi tôm cho kết quả tốt, ít rủi ro. Ảnh: TTXVN
Anh Lê Anh Xuân, hộ nuôi tôm ở thành phố Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm trong nhà lưới, nhà kính, nuôi tôm trải bạt… đang phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây.
Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được thời tiết, không còn lệ thuộc vào thiên tai bất lợi; kiểm soát được mần bệnh, nguồn nước, làm chủ khoa học kỹ thuật… So với cách sản xuất truyền thống, việc ứng dụng mô hình này vào sản xuất, tuy chi phí đầu tư khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không nhỏ, nhất là lợi nhuận.
Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, cho doanh thu 2,7 tỷ đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng; mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, có doanh thu 710 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận hơn 330 triệu đồng; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, tổng doanh thu hơn 900 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng;…
Điều mà nhà nông vui mừng hơn là việc ứng dụng các mô hình này vào sản xuất cho tỷ lệ thành công cao, ít rủi ro.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết, Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ cho quy hoạch, thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm.
Đây là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên cả nước chuyên về lĩnh vực con tôm và cũng là tiền đề, bước ngoặt quan trọng để Bạc Liêu hướng đến trở thành “ thủ phủ” tôm của cả nước.
Với mục tiêu trên, việc nhiều nhà nông, doanh nghiệp tỉnh này ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nuôi tôm theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh là hướng phát triển đúng với chủ trương của tỉnh và đang được địa phương tiếp tục cho nhân rộng đối với những hộ, doanh nghiệp, khu vực đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như kinh tế..
Nhằm giúp người dân sản xuất giảm bớt rủi ro, nâng cao lợi nhuận, ngành nông nghiệp tỉnh này tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Đồng thời, hướng dẫn bà con nuôi tôm theo hướng bền vững, đảm bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ diện tích đang nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản nuôi.
Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân thực hiện theo quy trình nuôi tôm khai báo, khai báo thả giống, khai báo khi bị thiên tai, dịch bệnh và tuân thủ các quy định hiện hành để được xem xét hỗ trợ khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục triển khai thực hiện cấp mã số cho các cơ sở, vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.
Ngoài ra, tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các khu vực trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuoi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục dịch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản…
Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 120.000 ha, đến nay đã thả nuôi đạt 100% diện tích; trong đó, diện tích nuôi tôm theo mô hình thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh… khoảng 7.500 ha.
Tính đến thời điểm này, tổng sản lượng thu hoạch gần 90.000 tấn; trong đó, tôm hơn 35.000 tấn, còn lại cá và thủy sản khác, đạt hơn 40% kế hoạch năm.