Ưu thế từ lươn giống bán nhân tạo
- Thứ hai - 01/10/2018 05:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đưa đề tài vào thực tế
Hiện nay, phong trào nuôi lươn thương phẩm phát triển mạnh với nhiều hình thức nuôi khác nhau, phổ biến nhất vẫn là nuôi trong bùn đất có rễ cây tạp hay thực vật thủy sinh che mát cho lươn. Tuy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định do lươn chui rúc trong bùn nên khó quản lý số lượng, tốc độ tăng trưởng, tình hình bắt mồi, dịch bệnh… Do vậy, mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng giống nhân tạo và thức ăn viên đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, khắc phục được những hạn chế trên, phù hợp với các hộ có diện tích nhỏ.
Tại Khánh Hòa, kỹ thuật nuôi lươn không bùn được người dân tiếp cận từ năm 2013 nhưng chủ yếu mang tính tự phát. Ngoài ra, người dân sử dụng con giống đánh bắt tự nhiên hoặc lấy giống không có nguồn gốc rõ ràng dẫn tới tỷ lệ hao hụt cao, hiệu quả kinh tế thấp. Để nghề nuôi lươn không bùn phát triển ở quy mô ổn định, mang tính bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Khánh Hòa đã thực hiện đề tài áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Qua hơn hai năm triển khai, đề tài đã xây dựng 4 mô hình tại xã Vĩnh Phương (TP Nha Trang) và xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh). Giống nuôi và quy trình được ứng dụng từ Trung tâm Giống thủy sản An Giang nhưng có nhiều cải tiến phù hợp với điều kiện ở Khánh Hòa. Qua 8 tháng nuôi, tỷ lệ sống trung bình của lươn ở cả 4 mô hình đạt 85,7% (vượt 10% so chỉ tiêu); khối lượng lươn thương phẩm thu hoạch đạt 2.630 kg (vượt 400 kg), tỷ suất lợi nhuận đạt 38% so chi phí đầu tư.
Hiệu quả bước đầu
Nhằm giảm áp lực cho khai thác tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của người nuôi, một số địa phương đã tích cực nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế đã triển khai thực hiện mô hình “Sinh sản lươn đồng bằng phương pháp bán nhân tạo” tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền với quy mô 30 m2. Kết quả, sau 8 tháng thực hiện mô hình đã thu được 44 tổ trứng với số lượng là 15.360 trứng, tỷ lệ nở là 72,9%, tỷ lệ ương từ bột lên giống 64,4%, tổng số lươn giống thu được là 7.209 con. Để phát triển mô hình trong thời gian tới, Trung tâm sẽ kết hợp giữa việc thực hiện sinh sản lươn đồng với chuyển lươn bột từ miền Nam ra ương dưỡng. Qua đó, giảm giá thành sản xuất và tăng sản lượng lươn giống, đáp ứng nhu cầu cho người nuôi lươn tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng, sau đó tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao cho người dân.
Tại Tiền Giang, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo, nuôi lươn không bùn từ giống nhân tạo bằng thức ăn viên, tổ chức lớp dạy nghề tại mô hình, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo giúp người nuôi chủ động được nguồn giống chất lượng, con giống nhân tạo rất khỏe, cỡ đồng đều, sạch bệnh, sử dụng được thức ăn viên, ít hao hụt khi nuôi, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và một phần số lượng theo nhu cầu của người nuôi.
Mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đặc biệt là với những hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ. Hy vọng thời gian tới mô hình sản xuất này thành công hơn nữa và được nhân rộng để đáp ứng nhu cầu lươn giống chất lượng của người dân.
>> Để đạt hiệu quả cao, trước khi thả vào bể, lươn giống phải được sát trùng bằng cách tắm với nước muối loãng nồng độ 3 - 5‰ trong 15 phút. Giai đoạn mới thả giống, lươn bị sốc và bỏ ăn do thay đổi môi trường đột ngột vì vậy phải bỏ đói lươn 3 - 4 ngày. Lươn có cỡ nhỏ cần phải được ương nuôi trong bể nhỏ có đặt các chùm dây nylon làm giá thể trước khi thả vào bể nuôi thương phẩm. |