Xây dựng vùng thực phẩm hữu cơ Ba Vì trong hệ thống nông nghiệp canh tác
- Thứ sáu - 04/11/2016 21:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
1. Ba nhu cầu hàng đầu
Hiện nay hệ thống nông nghiệp nước ta được tổ chức quốc tế OECD đánh giá là “phú dưỡng” “thoái tiến bộ” với việc lạm dụng thuốc trừ sâu, bệnh, trừ cỏ; kháng sinh, hoóc môn sinh trưởng, phân hóa học, ô nhiễm đô thị, ô nhiễm công nghiệp và làng nghề nông thôn… đồng thời là hệ thống kém hiệu quả, hệ số sử dụng tài nguyên lớn, giá thương mại thấp. Sức chịu tải của môi trường ở hai đồng bằng lớn đã đến mức báo động. Nhân dân bất an về an toàn thực phẩm (ATTP) và ATTP đã trở thành vấn đề lớn nhất của nước ta.
Hiện nay nhu cầu thị trường thương mại rau quả thế giới khoảng 100 tỷ USD/năm, nhưng nếu là chất lượng cao, có thương hiệu thì giá trị thương mại này còn cao hơn gấp nhiều lần (năm 2015 nước ta đã xuất khẩu đột phá mặt hàng này khoảng 2 tỷ USD, mới chiếm 2% thị phần thế giới). Ở trong nước đặc biệt là thủ đô Hà Nội (10 triệu dân) và các đô thị (sẽ chiếm 50% dân số) thì nhu cầu phân khúc thị dân trung lưu, thượng lưu (sẽ chiếm 10 - 20% dân số ) với các thực phẩm nông sản chất lượng cao ngày càng tăng (định lượng khoảng 100kg rau, 100kg quả, 100 quả trứng, 100 lít sữa, 100kg thịt, 100kg gạo chất lượng cao…/người/năm).
Quy luật phát triển bền vững là trở lại chu trình thuận với tự nhiên, kinh tế, xã hội không gây ra ô nhiễm (đất, nước, không khí, sinh học…).
Như vậy, ba yêu cầu: Sức khỏe, thị trường, môi trường đã trở nên cấp bách của cuộc sống.
2. Xây dựng mô hình phát triển
Hiện nay ngành nông nghiệp có hai thách đố lớn: Chất lượng nông sản thực phẩm với giá cạnh tranh và phát triển bền vững. Vì vậy ngành nông nghiệp cần hai điều kiện để phát triển: Hội nhập (cần) và “tái cấu trúc” lại ngành (đủ). Tái cấu trúc được coi như là “Đổi mới” lần hai.
“Tái cấu trúc” cần xác định cốt lõi là giảm bớt sản xuất lúa chuyển sang các cây con khác có giá trị và giá trị gia tăng cao hơn khi chúng ta về cơ bản đã đảm bảo được an ninh lương thực. “Tái cấu trúc” cần coi việc sản xuất ra thực phẩm an toàn là mục đích cuối cùng của ngành công nghiệp - nông nghiệp.
* Vùng Ba Vì đã có một số điều kiện thực tiễn:
- Có thương hiệu: Chè Ba Vì, sữa Ba Vì, rau muống tiến vua Phúc Thọ, khoai lang Đồng Thái, dứa suối Hai, sữa dê Ba Vì, bưởi Diễn…
- Địa bàn thuận lợi gần trung tâm Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc… với định hướng phát triển nông sản hàng hóa chất lượng cao: Thịt, trứng, sữa, rau, hoa, quả, gạo đặc sản, chất lượng cao…
- Nông nghiệp Hà Nội về cơ bản đã dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất .
- Có Liên minh nhà sản xuất hữu cơ Ba Vì, hợp tác xã thuốc nam, trang trại đồng quê, hợp tác xã chăn nuôi Cổ Đông, Công ty Hòa Lạc, Trung tâm nghiên cứu Đà điểu, Trung tâm nghiên cứu Dê thỏ…
- Có nhà máy chế biến rau quả Sơn Tây, nhà máy dứa, nhà máy sữa, nhà máy chè…
- Hà Nội đã có hàng trăm siêu thị, Trung tâm thương mại, chợ đầu mối…
- Hà Nội là trung tâm tam giác phát triển đồng bằng sông Hồng và “hai hành lang một vành đai”.
* Các điều kiện khoa học công nghệ:
- Vùng Ba Vì có nhiều Trung tâm Giống và Khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và PTNT như: Bò, gà, dê thỏ, đà điểu, ngô, đậu tương, lúa, cà phê…
- Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng một số tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice - thực hành nông nghiệp tốt): Tám quy trình chăn nuôi (dê, ong, bò sữa, bò thịt…); Năm quy trình VietGAP (rau, chè, quả, cà phê, lúa gạo).
- Lực lượng dịch vụ khoa học công nghệ tập trung đứng hàng đầu cả nước.
- Nông dân vùng Hà Nội có trình độ học vấn khá, hạ tầng nông thôn xếp hạng hàng đầu. Các điều kiện này đảm bảo cho việc đổi mới công nghệ thành công.
3. Kiến nghị và cách làm
a. Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng liên kết với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng vùng mô hình điểm thực phẩm hữu cơ, có chủ trương, nghị quyết, quyết định cơ chế chính sách lôi kéo doanh nghiệp (chính sách chuỗi hữu cơ, chính sách khởi nghiệp hữu cơ) phân công tổ chức thực hiện, sơ tổng kết nhân rộng mô hình trước mắt ở vùng Ba Vì, sau đó ra toàn bộ vùng ngoại thành lân cận đủ điều kiện. Phân công một đơn vị của Bộ và Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội là nhạc trưởng quản lý chủ trì xây dựng mô hình điểm.
Mô hình an toàn thực phẩm này dựa trên sự liên kết chuỗi của doanh nghiệp (thương mại, chế biến) với cộng đồng (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ nông dân) và tổ chức, cá nhân khoa học công nghệ.
Mô hình này cần tháo gỡ 3 “nút thắt” hiện nay là khâu tiêu thụ, khâu vùng sản xuất lớn và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ.
Cần xây dựng các dự án khuyến nông, dự án xúc tiến thương mại về vùng thực phẩm hữu cơ cho mô hình.
b. Coi các doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, là nhạc công trong việc lựa chọn xây dựng các tuyến, kênh sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm “từ đồng ruộng đến bàn ăn” thuê đất, xây dựng cánh đồng (an toàn, hữu cơ); liên kết, ký kết, cam kết với hợp tác xã tổ hợp tác, nông trại, hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cạnh tranh. Doanh nghiệp tổ chức mạng lưới thương lái, chủ vựa cùng “bắt tay” với nông dân. Ủy ban nhân dân các cấp là trọng tài, giám sát.
c. Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ tham gia vào các tuyến, các kênh sản phẩm trên đây bằng sản phẩm khoa học công nghệ phù hợp: các dự án, chương trình, đề tài, …
d. Mô hình nên đặt ra hai mức: Sản phẩm hữu cơ và sản phẩm an toàn; mô hình nên làm chắc một số sản phẩm qua thăm dò thị trường; có lộ trình mở rộng dần mức độ thị phần từ thấp đến cao: từ an toàn đến hữu cơ.
- Có thể chọn một số sản phẩm hữu cơ như: Thuốc nam, măng, nấm, mật ong, chè, rau gia vị, khoai lang, rau muống, bưởi Diễn, thanh long, quả…
- Có thể chọn một số sản phẩm an toàn như: Cá, trứng, gà ri lai, đà điểu, thịt bò BBB, thịt lợn rừng, dứa, rau, quả, sữa bò, sữa dê, gạo, chè…
đ. Việc chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên theo hai kênh:
+ Kênh khoa học công nghệ: Căn cứ vào tiêu chuẩn đã có và đề nghị các Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện theo cam kết hội nhập và trong nước (hữu cơ, an toàn).
+ Kênh thị trường: Không nên quá cứng nhắc theo GAP 24/64 chỉ tiêu mà nên theo thị trường (trong, ngoài nước), gọi là Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ví dụ: vải thiều vào Mỹ hiện nay chỉ cần qua chiếu xạ, vào Nhật Bản cần qua xử lý hơi nước nóng, vào Úc không có một loại hóa chất, vào Trung Quốc chỉ cần màu đẹp quả to…
e. Ngành nông nghiệp nên trở lại phổ cập IPM (Integrated Pests Management – quản lý dịch hại tổng hợp) bởi vì yếu tố quan trọng nhất mà ta yếu kém là quản lý (Management: Quản lý thuốc, hóa chất; quản lý phòng trừ dịch bệnh; quản lý dịch bệnh; quản lý đối tượng sinh học…).
f. Vùng Ba Vì là vùng phát triển du lịch với các sản phẩm: Du lịch sinh thái, tín ngưỡng, văn hóa, nghỉ dưỡng… Nếu mô hình này thành công sẽ hình thành du lịch canh nông, phát triển công nghiệp thực phẩm, ẩm thực an toàn.
TS. LÊ HƯNG QUỐC
Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông, Bộ Nông nghiệp và PTNT
Nguồn: khuyennong.gov