Bài 2: Cách làm OCOP hiệu quả

Bài 2: Cách làm OCOP hiệu quả
Sau một năm thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và nỗ lực của cộng đồng, các chủ cơ sở sản xuất, chương trình OCOP Hà Tĩnh đã đạt những kết quả bước đầu quan trọng.

tr15.JPG
Đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất OCOP,  nhiều sản phẩm của Hà Tĩnh có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều khách hàng biết đến.

Sản phẩm OCOP là sản phẩm chất lượng, tử tế

Năm 2019, Hà Tĩnh có 140 sản phẩm (gấp 3 lần so với kế hoạch năm) đăng kí tham gia chương trình, trong đó đã lựa chọn được 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao).

Chương trình OCOP đã thúc đẩy các hộ sản xuất mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, từ đó tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, mẫu mã tốt hơn so với các sản phẩm truyền thống.

Để sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường so với các sản phẩm cùng loại, các cơ sở sản xuất buộc phải thay đổi quy trình, công nghệ, chất lượng, mẫu mã. Tư duy sản xuất nhỏ lẻ dần được thay thế chuyển sang liên kết, hợp tác và phát huy được lợi thế đặc trưng của từng địa phương. Điều này lí giải vì sao các sản phẩm tham gia OCOP ở Hà Tĩnh ngày một nhiều, chất lượng cao hơn và đứng vững trên thị trường, doanh số bán hàng tăng hơn so với trước, tổng doanh thu các sản phẩm OCOP năm 2019 tăng 20% so với năm 2018.

Mỗi sản phẩm OCOP ở Hà Tĩnh là một câu chuyện về sự nỗ lực của các hộ sản xuất, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu... Cùng với đó là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong việc kết nối, tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện và ban hành những chính sách khuyến khích, động viên kịp thời. Vì vậy, khi triển khai OCOP, Hà Tĩnh sẽ có nhiều thuận lợi vì đã có nhiều sản phẩm đặc thù, là thế mạnh của địa phương.

tr15a.jpg
Vấn đề quản lý, giám sát chất lượng được Hà Tĩnh quan tâm hàng đầu.

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm được quan tâm, UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý hàng hóa, sản phẩm tham gia OCOP. Các sản phẩm được truy xuất nguồn gốc thông qua quét mã QR, đảm bảo công khai thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hữu Dực, Phó chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh, cho biết: Hà Tĩnh hướng tới các sản phẩm OCOP là sản phẩm chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường là sản phẩm tử tế, tin dùng.

“Việc hộ kinh doanh đầu tư về thời gian nâng cao kiến thức kinh doanh, đầu tư về kinh phí để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm… thực sự là thành công lớn, làm thay đổi nhận thức kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ, thụ động từ bao đời nay”, ông Dực khẳng định.

Chậm mà chắc

tr15c.JPG
Nuôi ong theo chuẩn VietGAP, đầu tư máy móc tinh chế hiện đại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp... là cách làm hiệu quả của HTX mật ong Cường Nga ở xã Quang Diệm (Hương Sơn).

Thực tế cho thấy, OCOP là mô hình mới, với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không thể nóng vội mà phải bền bỉ và thực hiện theo chu trình trong quá trình triển khai để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân. Vì vậy, ngay từ ban đầu, tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và các bộ, ngành có liên quan, không thực hiện ồ ạt, làm theo phong trào mà thực chất, hiệu quả - đó là chủ trương, đích hướng tới khi Hà Tĩnh bước vào “sân chơi” OCOP.

Để việc triển khai đạt hiệu quả, UBND tỉnh, Văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, HTX nắm bắt được tinh thần của chương trình này. Bởi những ngày đầu triển khai, nhận thức về chương trình từ cấp huyện, xã đến chủ thể sản xuất còn hạn chế.

Hiện nay, Hà Tĩnh được đánh giá là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng, có chất lượng. Đây chính là bước khởi đầu đáng mừng để các cơ sở sản xuất trên địa bàn tạo ra nhiều giá trị cao hơn.

tr15b.jpg
Năm 2019, Hà Tĩnh có 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 69 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao).

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng: OCOP đặt ra nhiều thách thức lẫn cơ hội cho cho người dân lẫn chính quyền, chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai, Hà Tĩnh đã đầu tư, có sự nghiêm túc, chỉn chu trong từng sản phẩm, cùng với việc phát triển thương hiệu thì chất lượng sản phẩm cũng phải luôn song hành. OCOP gắn với tái cơ cấu nông nghiệp chính là điểm cốt lõi trong xây dựng NTM ở Hà Tĩnh. Thời gian tới, tỉnh sẽ kết nối thị trường, tạo chỗ đứng cho sản phẩm chủ lực của địa phương; xây dựng sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch, “sứ giả” văn hóa cho từng địa phương.

“Muốn nâng tầm thương hiệu, trước hết phải bắt đầu từ chính con người, nội lực tự thân của HTX và phải làm sao sản phẩm được nâng tầm thành sản phẩm du lịch của địa phương, có như thế mới dần hình thành sự chuyên môn hóa trong khâu sản xuất, quảng bá sản phẩm. Để thực hiện OCOP hiệu quả và thành công, qua kinh thực tế triển khai, Hà Tĩnh thấy, tiếp cận sớm công nghệ 4.0 chính là cơ hội cho các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh vươn xa hơn, đó là phát triển lâu dài”, ông Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Mục tiêu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Hà Tĩnh năm 2020:

- Có ít nhất 50 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao, trong đó có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên;

- Củng cố, nâng cao năng lực cho tối thiểu 40 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hiện có thực hiện OCOP; Phát triển mới tối thiểu 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Phát triển mới 3-5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ 72 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt từ 3-4 sao năm 2019, nâng cấp các sản phẩm lên 4-5 sao.

Theo Trà Giang/kinhtenongthon.vn