OCOP nâng tầm nhung hươu Hương Sơn
- Thứ sáu - 28/02/2020 05:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hương Sơn, nhiều doanh nghiệp, HTX chuyên sản phẩm nhung hươu phát triển theo hướng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu của đông đảo người tiêu dùng. Nhờ đó, thị trường mở rộng, giá trị kinh tế tăng cao.
Sản phẩm thế mạnh
Hương Sơn là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển vườn đồi, trang trại, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, có giá trị kinh tế cao như: Nhung hươu, mật ong, chè (trà) xanh, lạc, đậu và các loại cây ăn quả có múi. Đặc biệt, nói đến Hương Sơn, không thể không nhắc đến đặc sản nổi tiếng là nhung hươu.
Nuôi hươu lấy lộc nhung ở Hương Sơn được coi là nghề truyền thống từ lâu đời, và trải qua không ít thăng trầm. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, với sự đầu tư của địa phương, nhung hươu đã trở về với giá trị đích thực của nó, và trở thành con nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương.
Nhung hươu Hương Sơn là sản phẩm thế mạnh riêng biệt không phải vùng nào cũng có. Tuy nhiên, trước đây giá trị mang lại chưa thật sự xứng với tiềm năng. Trăn trở đó hiện đã tìm được lời giải khi người dân ở đây thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nhung hươu và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng tầm sản phẩm.
Được biết đến là một trong những hộ chăn nuôi hươu quy mô lớn ở xã Sơn Lâm, gia đình chị Lê Thị Hương và nhiều thành viên khác của HTX dịch vụ hươu giống nhung hươu và mật ong Sơn Lâm mới cảm nhận được hướng đi đúng khi thực hiện chế biến sâu và tham gia OCOP. Bởi từ đây, việc tiêu thụ không còn là trở ngại trong phát triển đàn vật nuôi như trước nữa.
Là một trong những hộ gia đình và sau này là doanh nghiệp tư nhân tiếp cận khá sớm với việc chế biến sâu sản phẩm nhung hươu, nhưng lúc đó chủ yếu là sấy thủ công . Vì vậy, Doanh nghiệp tư nhân nhung hươu Thuận Hà, xóm 3, xã Sơn Giang quyết định đầu tư hệ thống máy móc hiện đại phục vụ chế biến nhung.
Thời gian đầu, việc chế biến sâu thủ công chỉ tính là chục kilôgam thì nay 4 sản phẩm nhung mà doanh nghiệp này cung cấp là nhung tươi, nhung hươu khô thái lát, nhung hươu tán bột và rượu nhung hươu, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 500kg nhung.
Năm 2018, Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn ra đời, trở thành “bà đỡ” đưa sản phẩm nhung hươu đến với nhiều khách hàng trên địa bàn cả nước. Đặc biệt, năm 2019, sản phẩm nhung hươu chế biến sâu được công nhận nhận là sản phẩm OCOP với chứng nhận 3 sao, 4 sao. Người chăn nuôi hươu ở Hương Sơn thu nhập từ lộc nhung khoảng 150 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đình Chiến, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn, từ trước đến nay, nhung hươu thường được biết đến là “thần dược” dành cho giới thượng lưu. Vì vậy, ông thành lập công ty nhằm hỗ trợ người nuôi xúc tiến thương mại.
“Sau gần 2 năm, chúng tôi đã tiêu thụ được hơn 750kg nhung tươi; trên 1.530 hộp nhung khô và gần 1.000 hộp cao đế nhung cho gần 500 hộ chăn nuôi hươu. Đáng mừng là, ngoài mở rộng thị trường, giá bán nhung cũng tăng lên 10 - 20% so với trước đây”, ông Chiến nói.
Tiến tới đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), cho biết: Nhung hươu là 1 trong 66 sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở để phát triển thương hiệu, danh tiếng sản phẩm địa phương. Nghề chăn nuôi hươu ở Hương Sơn đã góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế của huyện Hương Sơn. Nghề nuôi hươu còn là nét văn hóa đặc trưng trong cộng đồng chăn nuôi ở địa phương trong những mùa “hái lộc”.
Phó chủ tịch Nguyễn Kiều Hưng cho hay: Để triển khai thành công OCOP, Hương Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, phòng ban và địa phương tập trung bám sát Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm thế mạnh, đặc sản trong nông nghiệp như: Nhung hươu, cam Bù, cam chanh, nem chua Ý Bình, mật ong, dầu lạc, chè xanh...
Theo ông Hưng, Hương Sơn đã xây dựng một số chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, khơi dậy sáng tạo của người dân để có nhiều sản phẩm thế mạnh địa phương tham gia OCOP. Huyện đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng 11 sản phẩm đề xuất tỉnh phân hạng đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Trong đó, phấn đấu xây dựng sản phẩm nhung hươu, cam Bù… đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia.
Với tổng đàn trên 40 ngàn con và sản lượng nhung ước khoảng 20 tấn mỗi năm thì việc chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm đang tạo nên những lợi thế khác biệt trong việc tiêu thụ nhung hươu, đặc biệt là nâng cao giá trị sản phẩm, không chỉ là giá thành cao hơn, ổn định hơn mà còn khẳng định được thương hiệu, vị thế của sản phẩm nhung hươu mà Hương Sơn có thế mạnh nổi trội.
“Bình quân 3 năm về trước, tổng giá trị từ việc bán nhung và hươu giống trên địa bàn huyện đạt khoảng 250 tỷ đồng/năm (từ nhung 130 tỷ đồng; từ con giống 120 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi hình thành một số doanh nghiệp xúc tiến đầu ra cho sản phẩm nhung vào đầu năm 2018, tổng giá trị từ chăn nuôi hươu năm 2019 đã tăng lên 270 tỷ đồng (trong đó, nhung 150 tỷ đồng; con giống trên dưới 120 tỷ đồng)”, ông Hưng nói.
Nguồn tin: https://kinhtenongthon.vn/