Cây chè giúp nông dân Hà Tĩnh đổi đời

Cây chè giúp nông dân Hà Tĩnh đổi đời
Không thể ngờ rằng, trên mảnh đất cằn cỗi cộng với khí hậu khắc nghiệt như vùng đồi núi Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh bây giờ lại được phủ màu xanh ngát của chè.

Chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều năm qua, cây chè đã giúp không ít gia đình ở Hà Tĩnh xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

che1.jpg
Kỳ Thượng đang trở thành vùng sản xuất chè nguyên liệu thuộc tốp đầu của tỉnh Hà Tĩnh.

Đưa chè thành cây mũi nhọn

Dọc theo những con đường huyết mạch, chúng tôi chung niềm vui với người dân xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh)  khi vùng đồi trọc cằn khô xưa giờ mướt màu xanh ngát của chè. Nhờ kiểm soát được quá trình sản xuất đến chế biến, bảo quản... nên sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Kỳ Thượng đang trở thành vùng sản xuất chè nguyên liệu thuộc tốp đầu của tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng - Vũ Trung Tiến cho biết, từ khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, người dân nơi đây hăng hái mở rộng diện tích trồng chè công nghiệp. Toàn xã hiện có 346 hộ tham gia trồng chè với tổng diện tích trên 144ha. Nghề này giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ thu nhập 30-50 triệu đồng. Kỳ Thượng đang là địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện Kỳ Anh.

“Thời gian qua, xã tập trung chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả, từ trồng keo tràm, rau màu sang trồng chè, nhằm nâng cao sản lượng và tính cạnh tranh, thông qua sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm, Kỳ Thượng trồng mới 15-20ha chè; sản lượng đạt 150 tấn búp tươi, bán với giá 7,5 triệu đồng/tấn; người dân có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Thành công bước đầu từ mô hình trồng chè công nghiệp đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường; ứng dụng các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch”, ông  Tiến cho biết thêm.

 Chị Trần Thị Hường, thôn Tiến Vinh, xã Kỳ Thượng, chia sẻ: Cây chè không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho  nông dân mà còn tạo điều kiện giúp bà con liên kết có hiệu quả với nhà khoa học, doanh nghiệp, cũng như được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ  kỹ thuật. Bằng việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Chè Hà Tĩnh, Xí nghiệp Chè 12/9, người dân đã ổn định sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hựng, xóm 7, xã Kỳ Thượng, bộc bạch: “Ban đầu gia đình chỉ trồng vài sào chè nhưng nhận thấy hiệu quả nên đã mở rộng hết diện tích vườn của gia đình. Nhờ liên kết với doanh nghiệp nên chúng tôi không phải lo  về đầu ra của sản phẩm. Cây chè không những làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi, bà con Kỳ Thượng mà trồng chè theo quy trình VietGAP cũng giúp tôi thay đổi  tư duy, cách nghĩ, cách làm”.

Hướng đến xuất khẩu

“Để có chè ngon, ngoài yếu tố đất đai, khí hậu, quy trình chăm sóc đóng vai trò quan trọng. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ cho chè thơm ngon, đậm vị. Vì vậy, để chè phát triển tốt, thu hoạch đến đâu, chúng tôi tập trung chăm bón đến đó. Sau khi cắt bỏ hết cành, làm sạch cỏ, chúng tôi lên núi tìm cây tiến (cây bổi) về phủ ở các rãnh quanh gốc, kết hợp bón phân để vừa tạo độ mùn, độ ẩm, tơi xốp cho đất, vừa hạn chế cỏ mọc. Xuân sang, chè sẽ đâm chồi nảy lộc, chất lượng thơm ngon”, bà Trần Thị Thi, thôn Sơn Bình (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) phấn khởi kể.

Chè là một trong 5 sản phẩm chủ lực của Hà Tĩnh. Đến nay, diện tích chè liên kết giữa hộ nông dân với Công CP Chè Hà Tĩnh đạt 1.103ha, tăng 21,5% so với năm 2013. Công ty CP Chè Hà Tĩnh liên kết sản xuất với các hộ dân theo mô hình khép kín từ cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm đến chế biến, xuất khẩu.

Ông Trần Công Lệ, Giám đốc Công ty CP Chè Hà Tĩnh, cho biết: Việc hỗ trợ tài chính, giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè đã gắn kết chặt chẽ, hai bên cùng có lợi: doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để sản xuất bền vững; hộ trồng chè có “bà đỡ” trong suốt quá trình sản xuất đến tiêu thụ nên không xảy ra hiện tượng thu mua bấp bênh, được mùa - mất giá.  Sản phẩm chè đen là một trong 12 mặt hàng xuất khẩu của tỉnh đã xuất sang các nước Trung Đông, châu Âu...  Năm 2017, sản lượng chè liên kết của công ty đạt 1.560 tấn, kim ngạch đạt hơn 3,8 triệu USD; năm 2018, dự kiến doanh thu xuất khẩu đạt 4,8 triệu USD.

Theo Trà Giang/kinhtenongthon.com.vn