Chiến lược phát triển cây cao su ở Hà Tĩnh (bài 1): “Vàng trắng”
- Thứ hai - 28/10/2013 20:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dù phải hứng chịu từ sự bất thường của thời tiết nhưng Hà Tĩnh vẫn xác định, cao su là cây chủ lực ở các địa phương vùng núi và quyết tâm phát triển. Và, chí ít, đến nay, chúng ta đang đúng: cây công nghiệp này đang cho hiệu quả tốt, đây là một trong những giải pháp để thoát nghèo mà chưa cây, con nào thay thế được...
Chủ trương phát triển cao su
Không biết cây cao su có mặt ở Hà Tĩnh từ lúc nào, chỉ biết rằng, nó bắt đầu được trồng có quy mô tại Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh vào những năm 97 - 98 của thế kỷ trước. Và đến khi Công ty Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh (2007) cũng đóng trên địa bàn Hương Khê vào cuộc, diện tích cây cao su của tỉnh mới bắt đầu mở rộng. Cũng từ đây, cặp “song mã” này đã khiến cho cuộc đua mở rộng diện tích trở nên quyết liệt...
Đi giữa bạt ngàn rừng cao su |
Đến 17/3/2010, UBND tỉnh ra Quyết định số 723 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2010-2020. Theo đó, đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ đạt 20.000 ha cao su đứng, tại 8 huyện, gồm: Hương Khê 10.369 ha; Hương Sơn 2.653 ha; Vũ Quang 1.999 ha; Kỳ Anh 1.906 ha; Cẩm Xuyên 997 ha; Đức Thọ 764 ha; Can Lộc 657 ha; Thạch Hà 655 ha.
Đến cuối tháng 6/2013, tỉnh ban hành Quyết định số 1811 để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015 đạt 16.000 ha cao su đứng (trong đó: đại điền 13.500 ha; tiểu điền 2.500 ha); đến năm 2020, đạt 23.207 ha (trong đó: đại điền 14.207 ha; tiểu điền 9.000 ha). Như vậy, ở lần điều chỉnh, bổ sung này, UBND tỉnh đã nâng diện tích cao su đứng thêm 3.207 ha.
Tương ứng với diện tích trên, đến năm 2015, dự kiến, Hà Tĩnh đưa vào khai thác 6.000 ha, sản lượng 6.000 tấn mủ khô, GQVL cho 8.000 lao động; đến năm 2020, dự kiến khai thác 15.000 ha, sản lượng 15.000 tấn mủ khô, GQVL cho 10.000 lao động. Được biết, hiện 1 tấn mủ khô giá khoảng 50 triệu đồng.
Chăm sóc vườn ươm cao su tại Công ty Cao su Hương Khê |
Mục tiêu chung trong lần điều chỉnh mới này cũng được tỉnh nêu rõ: rà soát đưa ra khỏi quy hoạch những diện tích không đảm bảo điều kiện trồng cao su... Mở rộng diện tích cao su của tỉnh, trong đó chủ yếu quy hoạch phát triển cao su tiểu điền nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động để GQVL tại chỗ, nâng cao thu nhập, XĐGN và tiến tới làm giàu cho người dân miền núi; tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tương xứng với vai trò, vị trí là sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được xác định, góp phần xây dựng thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đảm bảo QPAN và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đáng chú ý, kết quả quy hoạch sau lần điều chỉnh, bổ sung này, cây cao su đã không được tỉnh quy hoạch trồng mới tại huyện Kỳ Anh mà vẫn giữ nguyên diện tích 1.470 ha cao su đứng hiện có. Cùng đó, tỉnh còn bổ sung các giải pháp thực hiện quy hoạch, như: hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trong vùng quy hoạch để phát triển cao su tiểu điền; ban hành chính sách khuyến khích phát triển cao su trên địa bàn tỉnh; thực hiện khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật...
Những bước đi đó cho thấy, Hà Tĩnh đã xác định rõ, cao su là cây chủ lực và quyết tâm mở rộng, khuyến khích phát triển.
“Vàng trắng”
Như trên đã nêu, với việc xuất hiện 2 đơn vị thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (xin gọi tắt là Tập đoàn CS) đóng trên địa bàn, diện tích cao su của tỉnh ta bắt đầu được mở rộng. Theo Chi cục Lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện đã trồng được 10.700 ha cao su, trong đó có 400 ha cao su tiểu điền (do người dân tự bỏ vốn trồng) và 500 ha tiểu điền liên kết (người dân góp đất, Tập đoàn CS bỏ vốn).
Cao su được trồng xen với một số cây lâm nghiệp khác |
Trong 10.700 ha này, hiện có 2.500 ha đã cho mủ thuộc Công ty Cao su Hà Tĩnh... Hàng nghìn lao động có việc làm, thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng; không ít người thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng. Theo tính toán của ông Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh thì 1 ha cao su cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần trồng 1 ha keo và nếu “thuận buồm, xuôi gió” thì sau 4 năm khai thác sẽ hoàn vốn, nếu gãy, bán gỗ cũng được khoảng trăm triệu đồng/ha.
“Không cây nào cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất đồi như cây cao su” - ông Sơn khẳng định.
Kiểm tra đường rập trước khi mở cạo |
Tất cả đều từ cây cao su; có thể nói, cây cao su đi đến đâu, hạ tầng kỹ thuật: điện - đường - trường - trạm… phát triển đến đó. Tổng tài sản riêng của Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh tính đến hết năm 2012 là 368 tỷ đồng, trong đó tài sản vườn cây 154 tỷ đồng, số tài sản còn lại đều được đầu tư vào các hạng mục: nhà cửa, kiến trúc, giao thông, đường điện, hệ thống thiết bị... khác.
Nếu tính cả số tiền đầu tư cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật của 2 đơn vị thành viên này thì tổng số tiền rất đáng kể. Chưa tính, trong giai đoạn Hà Tĩnh đang triển khai xây dựng NTM, các dự án trồng cao su được lồng ghép với các dự án xây dựng NTM từ hạ tầng kỹ thuật đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhất là đối với các địa phương ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn.
Đồng Lộc, Khe Giao, Địa Lợi, Truông Bát… những “vùng đất chết” do bom đạn của Mỹ, nay được khai phá phục hồi, trở thành những vùng quê trù phú với những cánh rừng cao su bạt ngàn, xanh tốt.
(còn nữa...)
Trọng Tuệ - Thăng Long
Nguồn baohatinh.vn