Chiến lược phát triển cây cao su ở Hà Tĩnh (bài 2): Sự nghiệt ngã của thiên tai
- Thứ ba - 29/10/2013 20:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
>> Chiến lược phát triển cây cao su ở Hà Tĩnh (bài 1): “Vàng trắng”
Bão vào, cây gãy, cành rơi...
Việc quy hoạch phát triển cây cao su tại Bắc Trung bộ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng dù đã được cảnh báo là rủi ro cao vẫn được các tỉnh trong vùng lựa chọn nhờ hiệu quả kinh tế mà cây này mang lại. Để nhanh chóng có cao su, càng nhiều càng tốt, người trồng đã bất chấp, bỏ qua những quy trình, giải pháp cần thiết nhằm phòng tránh, hạn chế những thiệt hại đến từ thiên tai. Trong khi đó, công tác quản lý, quy hoạch của các cơ quan nhà nước lại lỏng lẻo, chưa phù hợp... Và giá đắt đã phải trả. Hàng ngàn ha cao su bị bão quật gãy, đổ la liệt ở các tỉnh miền Trung trong 2 cơn bão số 10 và 11 gây thiệt hại 2.000 tỷ đồng, khiến chúng ta nhìn lại cách phát triển cây chủ lực của mình...
Cao su đổ ngổng ngang sau bão số 10 tại Nông trường Truông Bát |
Tại tỉnh ta, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh - đơn vị đầu tiên phát triển cao su đại điền trên địa bàn, cũng là đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự nghiệt ngã của thiên tai. Bão số 10 vừa qua đã thổi “bay” của đơn vị trên 560 ha cao su kinh doanh, trong đó 460 ha tại Kỳ Anh và hơn 100 ha tại Hương Khê. Nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn đang bước vào thời kỳ cho “vàng trắng” tại các nông trường ở Kỳ Anh đã không còn cây nào đứng. Các vườn cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại của đơn vị sau cơn bão trên 50 tỷ đồng.
Nhưng đây chưa phải là “cú giáng” đầu tiên của bão đối với cao su của đơn vị này. Đến hôm nay, sau 7 năm kể từ ngày bão số 5 năm 2007 đổ bộ vào vùng Đèo Ngang (Kỳ Anh), ông Trần Ngọc Sơn - Giám đốc Công ty vẫn còn nhớ như in từng cánh rừng cao su gãy, đổ không còn cách gì cứu vãn trước sức gió giật cấp 10, cấp 11. Chỉ trong chốc lát, 301 ha cao su đang vào năm thứ 3 cho mủ đã tan hoang. Công sức 10 năm với bao tâm huyết của hàng trăm người theo bão dữ bay đi. Thiệt hại lần này lên đến 32 tỷ đồng. Cao su đang cho mủ tại các xã Kỳ Tân, Kỳ Hợp, Kỳ Lâm... đổ ngổn ngang. Nhiều gia đình công nhân ôm gốc cao su nức nở ngay cả khi bão đang hoành hành... Cái giá phải trả cho sự khắc nghiệt của thiên tai, thật đắt!
Đừng đổ lỗi cho cây cao su!
Việc Hà Tĩnh quy hoạch phát triển cây cao su và chọn đây là cây chủ lực là vấn đề không phải bàn cãi. Trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh ta thì việc lựa chọn cây cao su là không có gì sai. Đến nay, đây có thể là giải pháp tốt nhất để người dân miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu. “Điều đáng bàn ở đây, từ năm 2010 trở về trước (khi chúng ta chưa có quy hoạch phát triển cây cao su) thì việc phát triển cây cao su trên đất Hà Tĩnh hoàn toàn do Tập đoàn CS làm chủ...” - một cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh, cho biết.
Công nhân Nông trường Cao su Phan Đình Phùng tổ chức dựng lại cây cao su sau bão. |
Chính trong thời điểm này, việc ồ ạt mở rộng diện tích đất trồng cao su được đẩy mạnh hơn bao giờ hết đã khiến cho nhiều cánh rừng biến mất... Bất chấp cảnh báo, cao su còn được đem trồng ở các vùng chỉ cách biển vài ba chục km như ở nhiều xã của huyện Kỳ Anh. Trong khi cây cao su được các nhà chuyên môn cảnh báo, chỉ gió cấp 7, cấp 8 là đã gãy cành... nên phải được quy hoạch tại nơi xa biển, kín gió.
Ở các huyện miền núi như Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê... trong vài năm trở lại đây, khi có mưa, lượng nước đổ về cuồn cuộn, nhưng dứt mưa là nước trôi tuột ngay. Đây là hiện tượng mà các nhà chuyên môn cảnh báo là do diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp, lớp thảm thực vật không còn!
Phục dựng lại rừng cao su vốn bị bão tàn phá tan hoang ở Nông trường Cao su Kỳ Anh 1 |
Thời gian qua, trên địa bàn liên tục xẩy ra tranh chấp đất trồng cao su giữa các hộ với nhau, giữa các hộ với doanh nghiệp, gây bất ổn tại địa phương. Điển hình là tại Hương Giang, Hòa Hải (Hương Khê). Tại tiểu khu 192 xã Hòa Hải, đến nay, người dân địa phương đã chiếm trên 100 ha đất trồng cao su của doanh nghiệp nhưng hơn 1 năm nay chưa giải quyết được. Gần trăm cuộc họp được các cấp tổ chức vẫn không xong. Lý do người dân đưa ra là cần đất để sản xuất...
Đừng đổ lỗi cho cây cao su! Đi dọc đường 12A sau bão số 10 vừa qua, chúng tôi ngộ ra một điều: Bão vào thì cây gì cũng gãy, đổ chứ không chỉ cao su. Cái chính là chúng ta phải biết cách phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại bằng sự hiểu biết, khoa học.
(Còn nữa...)
Nguồn baohatinh.vn