Đánh bắt thủy, hải sản - Hứa hẹn “mùa vàng”
- Thứ hai - 02/02/2015 19:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Được mùa đánh bắt
Nếu như trước đây, khát vọng vươn khơi xa của anh Nguyễn Văn Dũng (xóm Hội Thái - xã Xuân Hội, Nghi Xuân) chỉ là niềm mong ước, thì năm 2014, ước mơ đó đã thành hiện thực khi anh mạnh dạn đầu tư 3,8 tỷ đồng đóng mới tàu công suất 500 CV chụp mực 4 tầng gông. Anh Dũng vui mừng: “Với sự nỗ lực của gia đình cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi đã hiện thực hóa được khát vọng vươn khơi xa. Từ khi có tàu lớn, biển như gần hơn. Mỗi chuyến đi trung bình kéo dài từ 10-15 ngày, thậm chí cả tháng trời, thu về khoảng 20-30 tấn cá các loại, trừ chi phí, thu lãi từ 150-200 triệu đồng”.
Không chỉ anh Dũng mà bà con ngư dân Xuân Hội đều hồ hởi bởi một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang. Ông Đậu Văn Liệu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Hội chia sẻ: “Với 96 phương tiện đánh bắt, trong đó, 28 tàu thuyền khai thác xa bờ, công suất 320-500 CV, với 14 tổ tự quản trên biển đi vào hoạt động đã giúp nhau rất nhiều trong việc tìm kiếm ngư trường, hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, làm tốt công tác an ninh trật tự trên biển cũng như khi tàu về cảng… Đó cũng là lý do vì sao sản lượng khai thác toàn xã năm qua đạt cao với 5.448 tấn (tăng 1.000 tấn so với năm 2013)”.
2014 được xem là năm thắng lợi của ngành khai thác thủy sản, tạo đà cho những mùa bội thu trong năm mới. |
Năm qua, Cửa Sót (Lộc Hà) cũng bội thu. “Với 103 tàu thuyền các loại, tổng công suất 5.600 CV cùng phương châm đẩy mạnh tuyến khơi, giảm tuyến lộng, đa dạng nghề như: vây, câu, dạ kéo, bóng óc ghẹ, te, đáy… đã giúp địa phương thu về gần 59 tỷ đồng” - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim - Biện Ngọc Cường cho hay. Và, “lộc biển” không chỉ về với vùng biển cửa mà biển ngang cũng thắng đậm. Ngư dân Thạch Bằng mừng vui khi năm 2014, sản lượng đánh bắt đạt 1.670 tấn (tăng 326 tấn so với năm 2013), trị giá gần 29 tỷ đồng, điều đáng nói là nhóm sản phẩm giá trị cao chiếm tỷ lệ khá lớn.
Một năm trời yên, biển lặng, lượng tàu thuyền tăng, thêm vào đó, chi phí nhiên liệu liên tục giảm là điều kiện thuận lợi để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Bởi thế, sản lượng khai thác, đánh bắt thủy hải sản năm 2014 của toàn tỉnh cao hơn hẳn so với 2013 và các năm trước đó. Ông Trần Xuân Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh cho hay: “Năm qua, tổng sản lượng khai thác ước đạt 31.568 tấn, trị giá 960 tỷ đồng, trong đó, khai thác biển 28.568 tấn, ước trị giá 890 tỷ đồng; khai thác nội địa 3.000 tấn, ước trị giá 70 tỷ đồng”.
Ngư dân Xuân Yên (Nghi Xuân) vui mừng khi được mùa cá cháo |
Sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương dành cho lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản thông qua những chính sách kích cầu chính là đòn bẩy để ngư dân tăng cường đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn, mua sắm thiết bị, ngư cụ hiện đại phục vụ công cuộc chinh phục biển cả. Lộc Hà được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc “hấp thụ” các chính sách, tiếp sức cho ngư dân ra khơi. Bằng chứng là từ năm 2011 trở về trước, Lộc Hà không có tàu công suất 90 CV, nhưng đến thời điểm này, đã có tới 39 tàu thuyền từ 90 CV trở lên trong số 316 phương tiện đánh bắt với tổng công suất 12.000 CV.
Chị Nguyễn Thị Duyên - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho biết: “Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện từ tư vấn, giải quyết hồ sơ, thủ tục cho bà con vay vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền. Đồng thời, triển khai kịp thời nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh theo Quyết định 24 và Quyết định 05 của UBND huyện đối với ngư dân. Theo đó, hiện nay, ngư dân khi đóng mới tàu thuyền sẽ được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng với phương tiện 90-250 CV, 400 triệu đồng với tàu thuyền công suất 250-400 CV và công suất từ 400 CV trở lên 600 triệu đồng; huyện hỗ trợ 100 triệu đồng đối với tàu thuyền có công suất 250-400 CV, 200 triệu đồng với phương tiện từ 400 CV trở lên”. Cũng theo chị Duyên, phương án phát triển năm nay thay vì đóng mới tàu thuyền nói chung, chúng tôi sẽ khuyến khích bà con nâng tàu công suất lớn, giảm công suất nhỏ để tạo hiệu quả lớn hơn trong đánh bắt, góp phần nâng cao đời sống người dân”.
Hứa hẹn “mùa vàng”
Thời gian qua, việc xăng dầu liên tục giảm giá đã tác động tích cực đến hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Đặc biệt, những ngày đầu năm mới, xăng dầu tiếp tục “xuống dốc” là tín hiệu vui đối với ngư dân. Bởi trên thực tế, chi phí nguồn nhiên liệu bao giờ cũng chiếm từ 70 - 80% tổng chi phí trong mỗi chuyến đi biển. Trước đây, giá xăng dầu tăng kéo theo các chi phí khác tăng trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định, bị ép giá… dẫn đến thua lỗ nên số lượng tàu thuyền nằm bờ nhiều. Hiện nay, nhiên liệu giảm sâu là điều kiện thuận lợi và cũng chính là động lực để bà con hăng hái ra khơi, mở khoang thuyền đón “lộc”. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Nhà nước, chính sách kích cầu của địa phương sẽ là “bà đỡ” để ngành khai thác thủy sản hướng ra biển lớn trong niềm tin về một năm bội thu.
Chợ cá ở Thạch Kim (Lộc Hà) |
Năm 2014 khép lại trong niềm vui được mùa của bà con ngư dân và đó cũng chính là sức bật để 2015, Hà Tĩnh phát triển thế mạnh vươn ra biển của mình. Theo Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh, sản lượng khai thác thủy sản năm 2015 toàn tỉnh dự kiến khoảng 32.176 tấn và nâng tổng tàu xa bờ từ 160 chiếc lên 200 chiếc”.
Điều đáng nói là tháng 1 vừa qua, ngư dân xã Thạch Bằng đã thu về hơn 600 tấn cá các loại. Với tin vui này thì chắc chắn kế hoạch 2.000 tấn trong năm 2015 là đích không khó. Và, để đạt và vượt kế hoạch, thời gian tới, Thạch Bằng sẽ đồng hành cùng ngư dân, tạo mọi điều kiện cho bà con vay vốn và cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, tiến hành đóng mới 15 tàu thuyền công suất từ 250-800 CV, nâng tổng số tàu thuyền toàn xã lên 101 chiếc.
Được biết, không chỉ Thạch Bằng mà các xã vùng biển của huyện Lộc Hà đều đặt đích đến khá cao trong năm nay với tổng sản lượng khai thác toàn huyện đạt 4.900 tấn. Cùng với Lộc Hà, Kỳ Anh cũng phấn đấu đạt 6.800 tấn, Cẩm Xuyên 7.346 tấn, Nghi Xuân 8.600 tấn, Thạch Hà 3.600 tấn…
Thu Phương
Theo baohatinh.vn