Dịch chưa “buông tha”, Hà Tĩnh tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng bền vững
- Thứ bảy - 14/12/2019 05:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dịch TLCP hiện đã gây thiệt hại cho 5.326 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã làm hơn 7.000 con lợn của 1.057 hộ chăn nuôi ở huyện Thạch Hà chết và tiêu hủy. Dịch bệnh chủ yếu tấn công vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Sáu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: DTLCP xuất hiện, lây lan trên diện rộng, làm giảm mạnh tổng đàn; đến nay chỉ đạt 39.132 con, với 3.800 hộ nuôi (giảm 1.589 hộ nuôi so với cuối năm 2018). Bên cạnh đó, cơ sở chăn nuôi tập trung hiện toàn huyện cũng chỉ còn 7 cơ sở, quy mô trên 300 con/lứa, giảm 18 cơ sở so với cuối năm 2018.
Các địa phương tập trung chuyển đổi chăn nuôi lợn nhỏ lẻ sang nuôi gà thả vườn...
Trước thực trạng trên, Thạch Hà đang tổ chức lại chăn nuôi nông hộ, đặc biệt là chăn nuôi lợn theo hướng có kiểm soát, áp dụng công nghệ về giống, quy trình phòng chống dịch và xử lý môi trường, đảm bảo an toàn sinh học và bền vững.
Theo đó, huyện sẽ chuyển đổi khoảng 260 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi gà thả vườn trên cát, gà thả đồi tại các xã: Thạch Văn, Thạch Hội, Thạch Trị, Thạch Lạc, Thạch Ngọc… với quy mô từ 500 – 2.000 con/lứa.
Đồng thời khuyến khích xây dựng các mô hình chăn nuôi theo THT, HTX có liên kết sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp để đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ chăn nuôi. Ngoài ra, chuyển đổi khoảng 160 hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi trâu, bò với quy mô 3 – 5 con.
... và chăn nuôi bò lai đảm bảo hiệu quả, bền vững hơn
DTLCP cũng gây thiệt hại nặng nề cho huyện Cẩm Xuyên với hơn 14.000 con của 2.452 hộ dân bị tiêu hủy. Bởi vậy, huyện đang tính toán tổ chức tái đàn, tăng đàn ở những cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn, đáp ứng năng lực về phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là tăng ở khu vực trang trại nuôi tập trung, giảm ở khu vực nuôi nông hộ; định hướng phát triển đàn lợn chăn nuôi tập trung đạt 60.000 con vào cuối năm 2020 (hiện tổng đàn lợn tại khu vực các trang trại nuôi tập trung toàn huyện 50.600 con).
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho rằng: Trong năm 2020 Cẩm Xuyên sẽ giảm tối đa chăn nuôi lợn tại các trung tâm đô thị (thị trấn Cẩm Xuyên, thị trấn Thiên Cầm), những vùng phụ cận của các khu du lịch (Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Dương). Đặc biệt là giảm chăn nuôi nông hộ tại các thôn, vùng thường xuyên bị ngập lụt ở các xã: Cẩm Nam, Cẩm Bình, Cẩm Yên, Cẩm Thành, Cẩm Thạch và Cẩm Vịnh.
Ngành NN&PTNT chủ trương giảm dần chăn nuôi nông hộ khi không đảm bảo các điều kiện...
“Chăn nuôi nông hộ của huyện đang chiếm tỷ trọng cao (khoảng 60 - 65%) làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan nông thôn và không kiểm soát được dịch bệnh. Bởi vậy, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân không đảm bảo điều kiện chăn nuôi lợn thì chuyển sang nuôi đối tượng khác.
Huyện cũng tổ chức lại chuỗi chăn nuôi lợn liên kết hiện có, trong đó đề xuất doanh nghiệp phát hiện các tín hiệu thị trường về nguồn cung, yêu cầu tiêu chuẩn, mẫu mã hàng hóa…, sau đó chủ động đặt hàng với người chăn nuôi thông qua hợp đồng liên kết” – ông Hà cho biết thêm.
Thay đổi về phương thức chăn nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn; từng bước tổ chức lại chăn nuôi nhỏ lẻ theo hướng có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và giảm dần tỷ trọng là những định hướng đặt ra của ngành nông nghiệp cho chăn nuôi lợn năm 2020.
...tập trung phát triển mạnh chăn nuôi trang trại và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Năm 2019, chăn nuôi lợn chịu những tác động, ảnh hưởng nặng nề của DTLCP làm cho một số chỉ tiêu chăn nuôi của tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, tăng trưởng của ngành chăn nuôi giảm.
Để khôi phục lại chăn nuôi, năm 2020, ngành NN&PTNT đang thực hiện các giải pháp về liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững; áp dụng KH&CN vào chăn nuôi; quản lý chất thải, bảo vệ môi trường nhằm tăng tỷ lệ chăn nuôi trang trại từ 40% năm 2019 lên 55% năm 2020.
Mặt khác, duy trì chăn nuôi nông hộ ở mức 45% (hiện chăn nuôi nông hộ đang ở mức trên 55%- PV) và chỉ phát triển ở những vùng có điều kiện về đất đai, chăn nuôi phải có kiểm soát về dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường.
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn