Hà Tĩnh: Sản xuất chè theo chuỗi khép kín, an toàn và bền vững
- Thứ năm - 21/11/2019 22:33
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là đối với các huyện trung du, miền núi. Nhờ áp dụng chuỗi giá trị gia tăng, kiểm soát quá trình sản xuất đến chế biến, bảo quản... nên sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Hiện nay, chè là cây trồng duy nhất trong tỉnh được sản xuất theo chuỗi khép kín, an toàn và bền vững.
Chè công nghiệp Hà Tĩnh được trồng từ khoảng 50 năm trước. Năm 2012, theo Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh cây chè công nghiệp được xác định là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, so với địa phương cùng có chè là cây trồng chủ lực thì diện tích chè công nghiệp Hà Tĩnh ở mức khá khiêm tốn, chỉ bằng 0,7% tổng diện tích và 0,9% tổng sản lượng chè búp tươi của cả nước. Mặc dù mới chỉ chiếm một vị trí khiêm tốn trong ngành chè công nghiệp cả nước nhưng chè lại là một cây trồng quan trọng tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là tại các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn. Tại các vùng chè công nghiệp tập trung của tỉnh, thu nhập từ chè công nghiệp ước tính chiếm 30 – 40% tổng thu nhập của nông hộ.
Nhằm duy trì sự phát triển ổn định và để tạo bước chuyển biến trong sản xuất chè theo hướng phát triển bền vững, được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh, từ năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình “Chuỗi sản phẩm chè” liên kết với Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, mô hình đã đạt được những kết quả cao. Sản lượng chè tăng qua các năm và giá chè búp tươi tăng bình quân mỗi năm 12%, từ 6.700 đồng/kg năm 2014 lên 7.150 đồng/kg năm 2016, cao gấp 1,5 lần so với mặt bằng chung nên đời sống người dân được cải thiện, nhiều hộ trồng chè có thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Nhưng cái thành quả lớn nhất đó là sự tin tưởng của người dân với doanh nghiệp, không chỉ là hiệu quả kinh tế nhất thời, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp là cơ sở để cây chè phát triển một cách bền vững hơn, người nông dân được mở mang sự kết nối trong xu thế phát triển nông nghiệp của thời hiện đại.
Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, các doanh nghiệp và nông dân trồng chè càng có nhiều cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững bởi hầu hết các nước tham gia TPP đều nhập khẩu chè, chỉ Việt Nam và một vài nước khác là có khả năng xuất khẩu. Tuy nhiên, cánh cửa hội nhập mở ra, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không ít cho ngành chè cả nước nói chung và ngành chè Hà Tĩnh nói riêng. Đó chính là sự đòi hỏi khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm khi tham gia thị trường tiềm năng này. Vì vậy, Ban quản lý dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh thực hiện mũi đột phá vào công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ diện tích chè của tỉnh. Hiện nay, đã có 40,35ha chè được cấp chứng nhận VietGAP, 512,65 ha chè đã đánh giá và đang khắc phục, hoàn thành các điểm chưa đạt để cấp chứng nhận vào cuối năm 2017. Như vậy đến cuối năm 2017 tổng diện tích chè kinh doanh được cấp chứng nhận VietGAP là 553ha chiếm 71,2% tổng diện tích chè kinh doanh của tỉnh. Ngoài ra, đã thành lập các tổ dịch vụ bảo vệ thực vật và hỗ trợ các trang thiết bị máy móc để tổ đảm nhiệm việc phun thuốc, cắm biển cảnh báo, ghi chép sổ sách và thông báo ngày thu hái nhằm kiểm soát vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của các hộ dân. Mặt khác, Công ty cũng đã thực hiện nhiều biện pháp như khuyến khích sử dụng phân hữu cơ thông qua cơ chế hỗ trợ 140.000 đồng/tấn chuyên chở lên đồi; duy trì mô hình thi “Vườn chè xanh sạch đẹp” với mức thưởng từ 500.000 - 3.000.000 đồng/hộ và yêu cầu người dân duy trì hái tay trên toàn bộ các địa bàn, không dùng máy hái và có hệ thống cán bộ quản lý, kỹ thuật địa bàn tương đối bài bản. Đó là những bước chuyển mới trong sản xuất để sản phẩm chè Hà Tĩnh tiếp tục vươn xa.
Hiện nay, có khoảng 1.200 hộ liên kết trồng chè công nghiệp với Công ty thông qua 3 Xí nghiệp chè theo hình thức ký hợp đồng với HTX sản xuất từ đầu năm, nếu trong năm đó giá chè biến động tăng thì Công ty sẽ mua theo giá tăng của thị trường. Các khâu liên kết được Công ty thực hiện rất chặt chẽ, thường xuyên bố trí cán bộ kỹ thuật chuyên trách từng vùng để hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hái và cam kết thu mua 100% sản phẩm chè búp tươi của các hộ dân theo hợp đồng đã ký kết. Chính nhờ có sự liên kết đó mà Công ty luôn có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng để sản xuất bền vững còn hộ trồng chè có “bà đỡ” trong suốt quá trình sản xuất đến tiêu thụ nên không lo xảy ra tình trạng thu mua bấp bênh, được mùa - mất giá.
Không thể ngờ rằng, trên những mảnh đất cằn cỗi cộng với khí hậu khắc nghiệt như vậy mà từ vùng đồi núi Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh bây giờ lại được bao phủ một màu xanh ngát của những đồi chè ngút ngàn. Những cây chè đang đua nhau nảy mầm, đâm lá bởi sự nuôi dưỡng của đất mẹ và một quy trình chăm sóc an toàn, khoa học. Với sự tuân thủ nghiêm ngặt các khâu từ sản xuất đến chế biến đã làm nên những sản phẩm chè có tầm trên thị trường quốc tế và trở thành loại cây trồng chính trong đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa và cũng là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề thách thức lớn nhất hiện nay đối với chè Hà Tĩnh là đa dạng hóa thị trường đầu ra nhằm giảm thiểu rủi ro và tạo giá trị gia tăng. Ngoài thị trường Trung Đông, cần thiết mở rộng sang các thị trường khác, trong đó có cả thị trường nội địa./.
Theo Đặng Thị Thuận/khuyennongvn.gov.vn