Hà Tĩnh xây dựng thương hiệu cam đặc sản
- Thứ tư - 29/11/2017 09:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người nông dân và vườn cam. Nguồn ảnh: internet |
Đã bao đời trồng cam Khe Mây, thế nhưng ông Bùi Xuân Vinh ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn luôn trăn trở đầu ra cho sản phẩm... Câu chuyện “được mùa mất giá - được giá mất mùa” cứ lặp đi lặp lại sau mỗi vụ mùa thu hoạch. Ông Vinh chia sẻ, cam Khe Mây là giống cam đặc biệt với vị ngọt thanh, thơm và mọng nước, nổi bật so với cam ở những vùng khác, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu nên bà con lúc nào cũng bị các tiểu thương ép giá.
Để tháo gỡ khó khăn này, Hợp tác xã nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm đã liên kết với Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong tiến tới việc dán tem truy xuất nguồn gốc với sản phẩm cam. Việc làm này của doanh nghiệp đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ uy tín của cam Khe Mây.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 8.000 ha trồng cam, bưởi các loại; trong đó, có nhiều loại đặc sản nổi tiếng như: Bưởi Phúc Trạch, cam Thượng Lộc, cam Bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam Vũ Quang.... Để xây dựng thương hiệu cho các loại đặc sản này, Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm quảng bá hình ảnh các loại cam trên thị trường.
Cam Khe Mây là đặc sản nổi tiếng của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Internet |
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, cam được xác định là cây trồng chủ lực, ưu tiên phát triển tại các huyện miền núi như: Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc, Kỳ Anh... Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu đến năm 2020 mở rộng diện tích cam chất lượng cao từ 2.360 ha lên 4.050 ha; sản lượng 54.000 tấn; giá trị sản xuất 1.648 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch diện tích, gia tăng sản lượng và chất lượng của các vùng trồng cam đặc sản. Cam được sản xuất theo quy trình VietGAP, nông sản sạch, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Để thay đổi tập quán canh tác, hướng tới nền sản xuất an toàn, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Vũ Quang, Hương Khê, Can Lộc và Thạch Hà từ năm 2016 đến nay. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ cam Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc, vươn ra các thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, tại Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 2 - 4/12 dự kiến khoảng 100 gian hàng, trong đó, cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh dự kiến 60 gian, 40 gian còn lại trưng bày các loại sản phẩm khác. Tại lễ hội này, cam sẽ là “nhân vật” chính được giới thiệu, quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng về chất lượng cam ngon nổi tiếng và một số nông sản đặc sản Hà Tĩnh. Đồng thời, thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu cho các giống cây ăn quả có múi đặc sản của địa phương.
Hoàng Ngà / Báo Dân tộc miền núi