Hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát

Hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi tôm trên cát
Nghề nuôi tôm trên cát đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, giúp giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân các tỉnh miền Trung...

 

Tuy nhiên, việc phát triển diện tích ồ ạt, đầu tư thiếu đồng bộ đã tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật.

15-37-47_nh-1
Mô hình nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh hiệu quả cao
 

Với 137km bờ biển chạy dài theo các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có tiềm năng lớn trong việc phát triển nghề nuôi tôm trên cát. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, vùng nuôi tôm thâm canh đã đạt năng suất, sản lượng cao. Năm 2015, trong tổng số 2.160ha tôm, đã có 820ha nuôi thâm canh, công nghệ cao, tăng 86% so với năm trước. Sản lượng tôm năm 2015 đạt 3.410 tấn (tăng 700 tấn so với năm 2014).

Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, năm 2016, mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển nhưng nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh vẫn phát triển tốt. Diện tích đạt 386,1ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Một số mô hình điển hình là HTX Xuân Thành, huyện Nghi Xuân đạt năng suất 20 tấn/ha; mô hình của Công ty Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà đạt 20 tấn/ha; mô hình của anh Sơn ở Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh đạt 15 tấn/ha. Nhờ vậy, tổng sản lượng nuôi tôm trên cát năm 2016 đạt 2.000 tấn.

Để hạn chế dịch bệnh, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho tôm nuôi trên cát, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã khuyến cáo các hộ dân, DN quản lý tốt vùng nuôi, ứng dụng quy trình tiên tiến, chế phẩm vi sinh, sử dụng nguồn giống chất lượng... Với những giải pháp đồng bộ đó, Hà Tĩnh phấn đấu, sản lượng nuôi tôm trên cát sẽ đạt 9.000 tấn/năm, cao hơn 4 lần tổng sản lượng nuôi tôm hiện nay. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai quy hoạch nuôi tôm trên cát giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây là cơ sở để các hộ dân, các DN mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát áp dụng công nghệ cao.

15-37-47_nh-3
Mô hình nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh hiệu quả cao
 

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, thời gian qua, nghề nuôi tôm trên cát đã đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, giúp giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân một số tỉnh miền Trung. Các địa phương sử dụng quỹ đất hoang hóa, cải tạo đất xấu ven biển để nuôi tôm. Tuy nhiên phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt và nước ngầm, ô nhiễm biển và nước ngầm do chất thải từ nuôi trồng; mặn hóa đất và nước ngầm.

Theo tính toán, nếu đưa vào nuôi tôm với quy mô lớn (khoảng 100ha, nuôi 2 vụ/năm), ước tính nhu cầu nước ngọt cần khoảng 5 triệu m3/năm. Khi khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm trên cát quá giới hạn cho phép, dễ dẫn đến sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ xả trực tiếp nước thải, bùn ao nuôi trên khu vực đất cát cạnh bờ đầm nuôi, gây ô nhiễm...

Để nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, theo ông Cẩn, cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, đảm bảo "4 chữ A" (an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và an sinh xã hội). Quá trình nuôi không xả nước ra cát, không để nước mặn ngấm, rò rỉ xuống đất. Quy hoạch nuôi tôm trên cát phải gắn với tái cơ cấu, đầu tư phải có lãi, có đầu ra, không nên nuôi để lấy sản lượng theo phong trào. Thị trường con tôm còn rất rộng lớn, tiềm năng, là chiến lược đầu tư của Bộ.

Ngày 24/3/2016, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, đến năm 2020 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cho cả vùng đạt 36.980ha, sản lượng 158.190 tấn, trong đó diện tích nuôi nước mặn, lợ 22.140ha, sản lượng 122.310 tấn; nước ngọt 14.840ha, sản lượng đạt 35.880 tấn. Thu hút và giải quyết việc làm cho 80.000 lao động. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1.200 triệu USD...

 

Theo Bình Nguyên/nongnghiep.vn