Lộc Yên xây dựng cây cam thành sản phẩm hàng hóa chủ lực
- Thứ tư - 11/12/2013 22:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với lợi thế 1.200 ha đất rừng, nhiều năm qua, xã Lộc Yên đã tận dụng tiềm năng, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm chủ lực là cây cam, bưởi và trồng rừng, đưa lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Đây cũng là điểm nhấn trong quá trình quy hoạch và xây dựng đề án sản xuất, xây dựng NTM của địa phương.
Đã bước sang tuổi 75, nhưng mỗi khi rảo bước trong trang trại cam của mình, ông Nguyễn Văn Tâm - người dân Lộc Yên vẫn cảm thấy như còn trẻ lắm. Cảm giác vẫn háo hức, phấn khởi và đầy dự tính làm giàu như mấy chục năm trước ông và mấy người bạn vào khai đất, mở mang trang trại tại vùng đất này. Trên diện tích 1 ha, ông tập trung đầu tư các loại cam bù, cam chanh và quýt ngọt. Trung bình mỗi năm, riêng 600 gốc cam chanh đã cho thu nhập trên 180 triệu đồng.
Niềm vui, kinh nghiệm và lòng say mê của người làm vườn như được nhân lên theo năm tháng. Có lẽ cũng chính vì vậy mà mặc dù không ít lần chuyển đổi, trồng giống mới nhưng ông vẫn giữ nguyên cây cam bù như một kỷ niệm về một thời khai phá vùng đồi, về sản phẩm đã làm nên tên tuổi cho ông, một nông dân SXKD giỏi của tỉnh từ 10 năm trước.
Những vườn cam đưa lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Lộc Yên. |
Còn ngay trang trại kế bên, với bà Trần Thị Hòa, mặc dù tiếp cận với nghề trồng cam chưa lâu nhưng nhờ cần cù, chịu khó học hỏi, nhờ sự tận tâm sẻ chia của những người đi trước, năm nay, vườn cam của gia đình bà đẹp nhất khu vực xóm Trường Sơn. Bà Hòa cho biết: Nếu như 2 mùa trước, cao nhất cũng chỉ được 100 triệu đồng, thì năm nay, với sản lượng khoảng 9 tấn, người ta đã tìm đến tận nơi và mua cả vườn với giá 160 triệu đồng.
Đó chỉ là số ít trong hơn 700 hộ dân có nguồn thu từ cây cam và các sản phẩm của trang trại, vườn đồi khác tại xã Lộc Yên. Mấy năm trở lại đây, từ cây cam, đặc biệt là thương hiệu cam Khe Mây được định hình tại Hương Khê đã giúp người dân xã Hương Đô và các xã lân cận có thêm quyết tâm, động lực để gắn bó và đầu tư hơn cho cây cam. Theo ông Nguyễn Đình Phong - Xóm trưởng xóm Trường Sơn thì: Cũng từ cây cam, đời sống của người dân đã có nhiều đổi thay. Nhà cửa khang trang hơn, con cái có điều kiện học hành tốt hơn. Bà con yên tâm, cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó hình thành một vùng cây ăn quả trên đất Lộc Yên.
Tuy nhiên, là vùng đồi núi, địa thế hiểm trở, xóm làng cách sông, cách núi nên điều kiện sản xuất tại Lộc Yên còn không ít khó khăn. Nhận thức được tiềm năng, lợi thế có thể xây dựng cây ăn quả có múi thành sản phẩm hàng hóa chủ lực, nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tập trung khuyến khích, ban hành nhiều cơ chế, chính sách từ đất đai đến tạo điều kiện về vay vốn... Tuy nhiên, người dân Lộc Yên vẫn chưa thể tạo ra nhiều đổi thay căn bản từ cây cam. Từ chăm sóc, đến đầu tư phân bón, nhân công, kỹ thuật..., không ít lần người trồng cam đã thức trắng, lao đao vì những trận sương muối, những loài sâu gây hại, thậm chí là một trận lũ cuối mùa...
Ông Nguyễn Văn Lưu chia sẻ: “Khi cam bắt đầu chín phải tập trung lực lượng vào rừng cào, xúc lá mùn tại các khe suối để chuẩn bị tủ cho gốc cây. Rồi cam ra hoa phải tiên lượng năng suất để đầu tư, cam ra trái phải chăm sóc kẻo sâu bọ, rồi lo sương muối, bão lụt… Ngay cả khi cam đã vào vụ, đêm đêm chong đèn bắt sâu bướm,… nhiều đêm thức trắng vì cây cam…”.
Và hơn hết, giá sản phẩm hàng hóa chủ lực tại vườn vẫn quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Vườn cam của ông Lưu năm nay ước tính khoảng vài trăm triệu đồng, mỗi kg cam chưa đến 17 ngàn đồng. Trong khi đó, thời điểm cao nhất khi đến với người tiêu dùng, loại cam này giá có thể gấp 3 lần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chính người nông dân, những người “một nắng, hai sương” làm ra sản phẩm nhưng lại không phải là người được hưởng lợi nhiều nhất trong quy trình từ người sản xuất đến người tiêu dùng.
Tại xã Lộc Yên, mấy năm lại đây đã hình thành một dịch vụ mới khoảng 20 hộ dân chuyên mua lại các vườn cam của nông dân trong mùa thu hoạch. Sản phẩm hàng hóa đã manh nha ở vùng núi này. Tuy nhiên, với điều kiện đường sá xa xôi, giao thông cách trở, khó khăn... nên chi phí vận chuyển bị đội lên. Và đương nhiên, giá thấp là điều người nông dân phải chịu. Ông Lưu cho biết thêm: “Cam đáng giá 18, 19 thì mình cũng phải bớt cho họ vài giá. Đi lại khó khăn, đưa được cam ra thì cũng bầm dập mất dăm quả rồi. Còn mình đi bán ư, đợt trước hái được vài tạ cam, định chở ra ga bán, ai ngờ mưa lụt, cầu cống không qua được, phải để ở nhà, ăn mãi không hết rồi lại bị hỏng. Có người bao tiêu cho mình là quan trọng lắm, nông dân làm được nhưng đầu ra còn hạn chế…”.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên khẳng định: Việc xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực được xem là một hướng đi có nhiều triển vọng của địa phương trong quá trình thực hiện đề án sản xuất, xây dựng NTM.
Chỉ riêng từ cây cam, mỗi năm đưa về cho người dân Lộc Yên 3 tỷ đồng. Sản phẩm sạch, có thương hiệu và cũng có không ít bí quyết từ đất, từ bàn tay chăm sóc, sự tích lũy kinh nghiệm của con người... Nếu có thêm một cơ chế hỗ trợ thiết thực, thì lộ trình xây dựng sản phẩm hàng hóa chủ lực của Lộc Yên sẽ thuận lợi hơn, giá trị của cây cam Lộc Yên sẽ lớn hơn nhiều.
Thuận Huế
Nguồn baohatinh.vn