Nuôi trồng mặn lợ - tiềm năng lớn, thách thức nhiều

Nuôi trồng mặn lợ - tiềm năng lớn, thách thức nhiều
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn, lợ trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng, mở ra hướng đi mới nhưng cũng đang đối diện với nhiều thách thức.


Những tín hiệu vui

Với bờ biển dài 137 km, Hà Tĩnh có tiềm năng to lớn cho NTTS mặn, lợ. 6/12 huyện, thành phố của tỉnh tiếp giáp biển. 56/262 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có 7.261 ha có khả năng phát triển NTTS mặn, lợ; trong đó diện tích đất có khả năng nuôi tôm trên cát hơn 4.000 ha. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã quy hoạch xong 980 ha nuôi tôm trên cát. “Đây là diện tích lớn, thế mạnh của Hà Tĩnh...” - ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, nói. Theo các chuyên gia thủy sản, nuôi tôm trên cát là “mỏ vàng lộ thiên” nếu được đầu tư thỏa đáng, đúng quy trình.

Kỳ 3: Nuôi trồng mặn lợ - tiềm năng lớn, thách thức nhiều
Thu hoạch tôm ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân)

Từ tiềm năng to lớn đó, trong ưu tiên phát triển kinh tế biển của mình, Hà Tĩnh mạnh dạn đặt mục tiêu: Đến năm 2015 đạt 8.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh đạt 50% và đến năm 2020 là 80%; sản lượng NTTS đạt 17.000 tấn vào năm 2015 và 25.000 tấn vào năm 2020; sản xuất, cung ứng giống NTTS đạt trên 40% trong năm 2010 và 100% vào năm 2015.

Nghi Xuân là địa phương đứng đầu về nuôi tôm trong tỉnh. Bằng hình thức nuôi thâm canh, nuôi trên cát công nghệ cao, những năm gần đây, nhiều người nuôi tôm đã trở thành tỷ phú. Những mô hình nuôi tôm cho thu nhập cao ở các xã Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Hội, Cương Gián... được đầu tư đồng bộ đang thực sự khích lệ người dân trong và ngoài huyện đến học tập. “Nuôi tôm trên cát hầu hết đều áp dụng nuôi thâm canh, công nghệ cao nên đạt năng suất từ 10-20 tấn/vụ, mỗi năm nuôi 1-2 vụ, cá biệt như HTX Xuân Thành (Xuân Phổ) nuôi 3 vụ/năm, sản lượng 40 tấn/ha/năm, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm” - ông Đậu Hữu Tuất - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Xuân cho biết.

Từ những bãi triều ven biển bạc màu, trơ cát trắng, chẳng mấy giá trị, gần đây, nhờ được sự quan tâm của địa phương và mạnh dạn đầu tư của nhiều hộ dân, diện tích, năng suất, sản lượng nuôi trồng vùng ven biển Hà Tĩnh không ngừng tăng. Nhiều mô hình nuôi tôm trên cát công nghệ cao, cho hiệu quả kinh tế lớn xuất hiện. Nếu năm 2009, diện tích nuôi mặn, lợ của tỉnh là 2.632 ha, sản lượng 5.600 tấn, giá trị sản xuất 427 tỷ đồng, thì đến năm 2013, diện tích là 2.790 ha, sản lượng 7.300 tấn và giá trị sản xuất 670 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho trên 20.000 lao động/năm.

Lãng phí tiềm năng...

“Mặc dù tiềm năng, thế mạnh là vậy nhưng Hà Tĩnh đã và đang trong quá trình nuôi thả nhỏ lẻ, lạc hậu; quan tâm và đầu tư chưa tương xứng nên năng suất nuôi thấp, dịch bệnh triền miên...”, một cán bộ thủy sản tỉnh cho biết.

Tuy Hà Tĩnh có vùng ven biển thuận lợi cho phát triển NTTS với diện tích tiềm năng lên đến trên 20.000 ha, trong đó, đất có khả năng nuôi tôm trên cát hơn 4.000 ha, nhưng đến nay, diện tích đưa vào sử dụng còn khá khiêm tốn. Nghi Xuân, địa phương có phong trào nuôi tôm khá rầm rộ cũng chỉ đạt 70% diện tích quy hoạch. Và như trên đã nêu, đến nay, diện tích đưa vào nuôi tôm trên cát cả tỉnh mới được 50 ha và 150 ha khác đang trong giai đoạn xây dựng/980 ha đã được tỉnh quy hoạch. Được biết, nếu đầu tư đúng mức, một ha tôm nuôi trên cát cho lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.

Kỳ 3: Nuôi trồng mặn lợ - tiềm năng lớn, thách thức nhiều
Nuôi trồng thủy sản đang mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nhiều hộ dân trên địa bàn Hà Tĩnh.

Chưa hết, hiện trên 2.000 ha nuôi tôm vùng bãi triều tại Nghi Xuân, Kỳ Anh, Thạch Hà, Lộc Hà... nhiều năm qua chỉ nuôi ở hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến trong ao đất, năng suất chỉ đạt 6 tạ/ha/năm (trong khi nuôi trên cát công nghệ cao đạt 10-20 tấn/ha/năm). “Sẽ là mỏ vàng nếu dân mình có được diện tích này. Lãng phí quá...!”, một chủ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), thốt lên sau khi đi qua một số vùng nuôi này. Theo ông Nguyễn Công Hoàng, số diện tích này cần sớm được đầu tư (từ 300-400 triệu đồng/ha) để có thể nuôi bán thâm canh trở lên. Hiện 1/10 (trên 200 ha) diện tích ở những vùng này được người dân đầu tư nuôi thâm canh và bán thâm canh bằng vỗ bờ xi măng, bọc bạt... bài bản nên ít bị dịch bệnh, lợi nhuận cao.

Do diện tích nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh, lạc hậu nên năng suất tôm nuôi ở Hà Tĩnh nhìn chung thiếu bền vững, trung bình chỉ đạt 1,6 tấn/ha, thấp xa so với bình quân các tỉnh Bắc Trung bộ... Không chỉ vậy, việc đầu tư thấp, thiếu bài bản nên không ít hộ phải chịu cảnh trắng tay, lâm vào nợ nần vì thiên tai, dịch bệnh triền miên. Theo Chi cục NTTS tỉnh, hàng năm, diện tích tôm nuôi bị bệnh chiếm khoảng 10-15% tổng diện tích nuôi tôm, thiệt hại vật chất ước tính 10-20 tỷ đồng.

Ngoài cơ sở hạ tầng ao nuôi chưa được đảm bảo, chất lượng con giống không được kiểm soát là một nguyên nhân gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Xin nêu ví dụ: nhu cầu tôm giống năm 2013 trên địa bàn tỉnh khoảng 450 triệu P15. Tuy nhiên, tôm giống tại các cơ sở trong tỉnh chỉ đủ đáp ứng 10-15%. Số còn lại người nuôi phải mua trôi nổi từ các thương lái từ phía Nam. Hệ quả là người nuôi phải chờ con giống hoặc phải mua giống cỡ lớn (P12 - P15) từ ngoại tỉnh về thả trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng không tốt tới tỷ lệ sống do sức khỏe tôm giống yếu, chất lượng không đảm bảo và bị động về mùa vụ thả... Đó là chưa kể tới ý thức của người nuôi trong quản lý dịch bệnh, môi trường thấp; công tác thú y thủy sản còn nhiều bất cập, hạn chế.

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển NTTS nói chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều bất cập. Do thiếu cả con người, phương tiện, trang thiết bị, phương pháp thực hiên nên trong quy hoạch và quản lý quy hoạch còn thiếu tính thống nhất, gây chồng lấn, mâu thuẫn với một số lĩnh vực, ngành nghề khác. Đây là thách thức lớn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành NTTS tỉnh nhà.

Để tránh lãng phí tài nguyên, tiềm năng và ô nhiễm môi trường, theo Chi cục NTTS tỉnh, điều cần thiết trong lúc này là nâng cấp các vùng nuôi đảm bảo an toàn sinh học, quản lý dịch bệnh do ô nhiễm; thành lập các tổ nông dân sản xuất GAP/BMP để cải thiện năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản. Đi cùng với đó là nâng cao năng lực quản lý chất lượng tôm giống, đảm bảo tôm nuôi sạch, không nhiễm dư lượng thuốc kháng sinh và hóa chất phòng trừ dịch bệnh. Đã có nhiều tín hiệu vui trong NTTS nói chung, con tôm nói riêng trên con đường khẳng định con nuôi chủ lực của tỉnh, nhưng nhìn chung, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Thiên tai khắc nghiệt và quan tâm chưa đúng mức là 2 trở ngại lớn đang cần được tháo gỡ.

Trọng Tuệ
Nguồn baohatinh.vn