Xây dựng thương hiệu bưởi Phúc Trạch: Hiệu quả từ công cụ sở hữu trí tuệ
- Thứ ba - 05/09/2017 06:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ yêu cầu thực tế
Bưởi Phúc Trạch trồng ở Hương Khê cho chất lượng quả ngon nổi tiếng, được xếp vào hạng nhất trong tất cả các giống bưởi hiện đang trồng ở Việt Nam. Giá bưởi Phúc Trạch giao động từ 50.000 - 100.000đ/quả ngay tại vườn, và đã đưa lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân Hương Khê. Có thể nói, đây là cây xóa đói giảm nghèo cho người dân một huyện miền núi thường xuyên gặp những rủi ro về thiên tai. Tỉnh Hà Tĩnh đã xác định cây bưởi Phúc Trạch là một trong 15 sản phẩm chủ lực của tỉnh (Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012), đã đưa mục tiêu phát triển, mở rộng diện tích trồng Bưởi Phúc Trạch vào Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Bưởi Phúc Trạch (Văn bằng số 00022) cho UBND huyện Hương Khê vào ngày 09/11/2010. Vùng bảo hộ CDĐL bưởi Phúc Trạch theo Văn bằng bảo hộ là 2.966 ha phân bố trên 20 xã của huyện Hương Khê, gồm: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Liên, Hương Trà, Gia Phố, Hương Giang, Hương Thủy, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình, Hòa Hải, Phúc Đồng, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mỹ. Việc cấp Giấy chứng nhận bảo hộ CDĐL Phúc Trạch đã tạo điều kiện cho người sản xuất và người kinh doanh bưởi Phúc Trạch cơ hội nâng cao vị thế cạnh tranh, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại lợi ích cho người trồng bưởi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của vùng.
Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó chưa được phát huy tác dụng bởi nhiều lý do. Việc cấp Giấy chứng nhận bảo hộ CDĐL “Phúc Trạch” cho UBND huyện Hương Khê mới chỉ là bước khởi đầu, việc trao quyền sử dụng cho người dân chưa được thực hiện. Chưa có tổ chức nông dân để tổ chức sử dụng và quản lý CDĐL. Chưa có hệ thống quản lý bên trong và bên ngoài để quản lý và khai thác CDĐL. Các công cụ quản lý CDĐL chưa được xây dựng. Nhận thức đa số người dân về CDĐL và lợi ích lâu dài CDĐL mang lại còn quá hạn chế. Việc thực hiện quy trình sản xuất chưa được thống nhất, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Việc xây dựng các kênh phân phối phù hợp cho một sản phẩm có chất lượng đặc thù chưa được xây dựng. Các công cụ quảng bá chưa được xây dựng và chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được thực hiện một cách bài bản.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Khoa học & Công nghệ Hà Tĩnh đã đề xuất triển khai dự án “Quản lý chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” dùng cho sản phẩm bưởi của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh”. Dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt để thực hiện trong giai đoạn 2012-2015, theo Quyết định số 1348/QĐ-BKHCN ngày 18/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Gia tăng giá trị sản phẩm
Dự án nhằm xây dựng mô hình hệ thống quản lý và khai thác CDĐL “Phúc Trạch” cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch, phát huy hiệu quả của CDĐL nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn và phát triển vùng sản phẩm đặc sản, góp phần hoàn thiện phương pháp tổ chức quản lý CDĐL nói chung ở Việt Nam. Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất, thương mại và hệ thống kiểm soát chất lượng cho sản phẩm bưởi mang CDĐL Phúc Trạch của tỉnh Hà Tĩnh, bao gồm các hệ thống quản lý bên trong và hệ thống quản lý bên ngoài của CDĐL. Bảo đảm quyền sử dụng CDĐL hợp pháp cho các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện sử dụng CDĐL. Nghiên cứu giải pháp nâng cao giá trị cho sản phẩm bưởi mang CDĐL Phúc Trạch.
Thông qua dự án, Hệ thống quản lý và sử dụng CDĐL Phúc Trạch, Hội sản xuất và kinh doanh bưởi Phúc Trạch được thành lập và dần từng bước có thể tiếp cận nắm bắt được quy trình quản lý, sử dụng và phát triển CDĐL Phúc Trạch có hiệu quả. CDĐL Phúc Trạch được quảng bá, bước đầu tạo vị thế, niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm gắn tem nhãn.
Việc triển khai thực hiện thành công dự án không chỉ tác động trực tiếp đến các hộ sản xuất và kinh doanh bưởi Phúc Trạch của huyện Hương Khê, các kết quả của dự án còn tác động đến những đối tượng khác. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương học tập, xây dựng và vận hành hệ thống công cụ sở hữu trí tuệ trong quảng bá và phát triển giá trị sản phẩm đặc sản. Một trong những đóng góp rất quan trọng nữa của dự án là hình thành được một hệ thống mô hình liên kết chuỗi có sự tham gia tư vấn của chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ, phổ biến và hướng dẫn các địa phương, hộ nông dân trong việc thực hiện các chính sách về phát triển nhãn hiệu, nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trên thị trường các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Từ đây, danh tiếng và uy tín của sản phẩm sẽ được đảm bảo, ổn định và được pháp luật bảo vệ trên thị trường. Giá trị sản phẩm bưởi Phúc Trạch được tăng lên rõ rệt (tăng 20.000-25.000đ/quả), quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm; đồng thời thiết lập được kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Qua gần hai năm triển khai, dự án đã hoàn thành các nội dung và yêu cầu về thời gian, được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt yêu cầu so với quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong công tác tổ chức triển khai và quản lý dự án. Việc tiếp cận và thực hiện dự án còn khá mới mẻ, phải vừa làm vừa học hỏi, trao đổi nên hoạt động quản lý và vận hành nội bộ chưa đáp ứng như yêu cầu đề ra. Kiến thức và kinh nghiệm quản lý, phát triển CDĐL của các cán bộ quản lý và người dân vùng đặc sản còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong triển khai, quản lý và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Hội sản xuất và kinh doanh bưởi Phúc Trạch vừa thành lập, đang trong thời gian xây dựng và củng cố bộ máy tổ chức quản lý; thành viên Ban chấp hành hội chủ yếu là nông dân không có trình độ chuyên môn về quản lý, điều hành Hội. Sản phẩm bưởi Phúc Trạch có thời gian thu hoạch ngắn, 1 vụ/năm nên có một số nội dung gặp khó khăn khi triển khai, đặc biệt là duy trì kênh tiêu thụ. Điều đáng nói, hiện nay, chất lượng bưởi Phúc Trạch đang có dấu hiệu thoái hóa, không ổn định, nên hoạt động kiểm soát chất lượng gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, cần phải tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, thực hiện các biện pháp kỹ thuật để duy trì và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sản phẩm mang CDĐL. Bộ KH&CN, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh quan tâm, có cơ chế chính sách đầu tư phát triển vùng trồng bưởi Phúc Trạch để đáp ứng nhu cầu thị trường và mục tiêu phát triển hàng hóa nông sản đặc sản của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhìn nhận: Việc tạo dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ chỉ là bước đầu. Muốn phát huy được, phải có hệ thống quản lý được sử dụng bài bản để gia tăng giá trị sản phẩm. Hy vọng, sau kết quả dự án này, cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ góp phần nâng cao năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, mang lại niềm tin nơi người tiêu dùng khi mua sản phẩm bưởi Phúc Trạch qua các hệ thống thương mại.
Theo Thanh Hà/thuonghieucongluan.com.vn