Năm 2019, thành phố Hà Tĩnh được Thủ tướng chính phủ công nhận đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, qua soát xét quy mô và điều kiện hạ tầng kỹ thuật của thành phố còn nhiều bất cập, tác động đến sự phát triển trong 5-10 năm tới. Do vậy, để phát triển thành phố trong mối quan hệ tổng thể, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II sau khi được công nhận, đảm bảo gắn kết chặt chẽ các vùng trong tỉnh, trong khu vực, thành phố Hà Tĩnh triển khai xây dựng đề án "Xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035."
Theo đó, Đề án được xây dựng với các mục tiêu như: Mở rộng không gian đô thị, phát triển trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng, đa dạng hình thức kết nối với các tỉnh, khu vực; kinh tế tăng trưởng bền vững, hấp dẫn đầu tư, có các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống hài hòa, thu hút dân cư và lao động; Đầu tư một số tuyến giao thông, thoát nước mưa, thoát và xử lý nước thải nhằm kết nối mạng lưới hạ tầng chính đô thị và vùng phụ cận; có các đơn vị quy mô chuẩn quốc tế, có năng lực, cơ sở vật chất chất lượng cao trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao…
Đề án cũng xây dựng định hướng phát triển không gian theo hướng kết nối với vùng phụ cận và nội thành, phát triển mạnh không gian về hướng Tây với một trục phát triển tổng hợp dịch vụ, thương mại, văn hóa, chính trị; sau đó tiếp tục mở rộng về phía Đông, hướng về phía biển. Đồng thời, tập trung hoàn chỉnh cấu trúc đô thị nhằm mở rộng quỹ đất, thu hút đầu tư. Không gian đô thị sẽ phát triển theo 3 hướng chính gồm trục Phan Đình Phùng – Hàm Nghi là trung tâm hành chính và dịch vụ thương mại, văn hóa, thể thao; trục Tây Bắc – Đông Nam nối quốc lộ 1A là các hoạt động bán lẻ, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo, kết nối với các đô thị khác trong vùng; trục Ngô Quyền có quỹ đất lớn, đóng vai trò phụ trợ cho thành phố, cung ứng các dịch vụ đô thị và mở rộng không gian…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất, việc xây dựng đề án phải đánh giá rõ hiện trạng, những bất cập trong phát triển bền vững; các định hướng để phát triển hạ tầng nông nghiệp đô thị, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; có giải pháp tăng cường tuyên truyền thực hiện đề án; làm rõ các giải pháp đề xuất…Đồng thời góp ý vào tên đề án, bố cục, thống nhất các thuật ngữ… theo hướng ngắn gọn, logic, hợp lý.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, UV BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy cho rằng, đây là đề án quan trọng, nội dung mới nên đòi hỏi sự tập trung nghiên cứu chất lượng, hiệu quả. Bí thư Thành ủy đề nghị Tổ xây dựng đề án tiếp thu và bổ sung, chỉnh lý để hoàn thiện đề án. Đặc biệt, chú trọng phân tích rõ hiện trạng hạ tầng hiện tại để có định hướng xác định mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh.