Ông Trần Đình Đàn là một trong những hộ gia đình trồng rau lâu năm tại thôn Trung Tiến xã Thạch Môn. Nhiều năm về trước tiên phong đi đầu trong thực hiện chủ trương xóa bỏ vườn tạp, gia đình ông tiến hành chặt bỏ tro tre, cải tạo đất vườn trồng rau màu. Buổi đầu gia đình ông chủ yếu trồng rau sạch để tự cung cấp phục vụ bữa ăn của gia đình. Với cách thức chăm sóc hiệu quả cộng với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, ông nhận thấy rau phát triển tốt lại cho nguồn thu nhập cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa nên quyết định mở rộng diện tích đất vườn lên gần 1000m2 trồng các loại rau ngắn ngày theo phương thức thâm canh, gối vụ. Đồng thời gia đình ông còn cải tạo thêm 500m2 đất ruộng trồng các loại rau cao cấp. Năm 2014 mô hình vườn của gia đình ông đã được công nhận vườn mẫu của xã.
Ông Trần Đình Đàn chăm sóc vườn rau của gia đình
Hiện tại gia đình ông có diện tích rau màu lớn nhất với đầy đủ chủng loại rau hàng hóa được người dân địa phương và thương lái ưa chuộng, tin dùng bởi được trồng, chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ theo phương thức truyền thống, đúng chu trình sinh trưởng, không sử dụng thuốc kích thích và chất hóa học.
Thôn Quyết Tiến xã Thạch Môn lại được biết đến là vùng chuyên sản xuất các loại rau cao cấp như su hào, cà rốt, súp lơ, bắp cải… Với diện tích 5 ha chuyên sản xuất các loại rau vụ tết, những ngày này, trên những cánh đồng rau, không khí sản xuất rất sôi nổi. Hiện tại, bà con đang tập trung chăm bón, làm mái che vòm thấp để đảm bảo cho các diện tích gieo trồng cà rốt, súp lơ, bắp cải sinh trưởng, phát triển kịp phục vụ tết nguyên đán.
Mặc dù nghề trồng rau không mang lại thu nhập cao nhưng vẫn được bà con nông dân ở đây lựa chọn vì so với trồng lúa thì lợi nhuận vẫn cao hơn 6-7 lần. Trong đó, nhiều người còn bỏ vốn đầu tư làm nhà lưới kiên cố, vững chắc để vừa trồng rau, vừa trồng lạc, xen canh, gối vụ quanh năm.
Vợ chồng chị Đặng Thị Ngại (thôn Quyết Tiến, xã Thạch Môn) sau nhiều năm bôn ba làm công nhân ở Đồng Nai năm 2016 đã quyết định về quê lập nghiệp. Nhận thấy việc trồng rau sạch có khả năng mang lại lợi nhuận cao, vụ Đông năm nay vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng làm nhà lưới trồng rau trên diện tích 280m2 đất vườn. Toàn bộ mô hình được xây dựng theo hướng sản xuất công nghệ cao với hệ thống nhà lưới kiên cố, công nghệ tưới nước nhỏ giọt điều khiển tự động, đất, phân bón được xử lý kỹ thuật theo đúng quy trình trồng rau sạch.
Sẵn có kinh nghiệm, kỹ thuật trong thời gian làm việc ở các trang trại miền Nam, vụ này anh chị đầu tư gieo trồng gần 900 gốc dưa Chuột Nhật bản, đồng thời áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, dự kiến sau 45 ngày mô hình của gia đình chị sẽ cho thu hoạch.
Mô hình nhà lưới trồng dưa chuột của gia đình chị Đặng Thị Ngại
Xã Thạch Môn là địa bàn thuần nông, sản xuất nông nghiệp từ trước đến nay chủ yếu vẫn dựa vào cây lúa. Những năm trước đây, tận dụng lợi thế đất cát, đất cát pha thịt, một số hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rau chuyên canh đem lại thu nhập khá cao. Đặc biệt những năm gần đây thực hiện Chương trình dồn điền đổi thửa, xã Thạch Môn vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất xấu, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau.
Hiệu quả kinh tế từng bước được khẳng định, mô hình trồng rau sạch theo đó phát triển rộng rãi trên địa bàn toàn xã. Hiện xã Thạch Môn có 15 ha diện tích rau màu thực phẩm, trong đó thôn quyết Tiến là nơi có diện tích trồng tập trung nhiều nhất với 42 hộ gia đình trồng rau và có thu nhập chính từ trồng rau.
Nông dân Thạch Môn xuống đồng chăm bón rau màu
Để từng bước tạo dựng thương hiệu rau sạch của địa phương và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, xã Thạch Môn đang tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao kỹ thuật, nhận thức của người dân trong việc sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn; khuyến khích người dân đầu tư trồng rau theo mô hình nhà lưới bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài cơ chế hỗ trợ của thành phố, chính quyền xã đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích trồng rau sạch, xây dựng các mô hình trồng rau công nghệ cao.Theo đó, xã hỗ trợ 10 triệu đồng/ 1 nhà lưới. Đối với các vùng chuyên canh khi mở rộng diện tích vùng trồng rau xã hỗ trợ 100% tiền giống, 50% tiền đầu tư cọc bê tông, kinh phí làm hàng rào. Việc tích tụ ruộng đất cũng được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/ha.
Về lâu dài, địa phương cũng đang tính đến việc quy hoạch, phát triển các vùng chuyên sản xuất các loại rau màu theo hướng hàng hóa ở thôn Quyết Tiến, thôn Trung Tiến, hình thành các tổ hợp tác trồng rau sạch nhằm giúp bà con liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.