Phát triển kinh tế tập thể ở thị xã Hồng Lĩnh

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thị xã Hồng Lĩnh đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn không ít khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới.
Đại hội đại biểu thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường Đậu Liêu, nhiệm kỳ 2019 - 2022

Ban Thường vụ Thị ủy và đảng ủy các phường, xã đã thành lập ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh việc tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết cũng như các quy định của luật, nghị định liên quan đến phát triển kinh tế tập thể. Hội đồng nhân dân Thị xã có chính sách về phát triển kinh tế tập thể: Thành lập mới hợp tác xã được hỗ trợ 20 triệu đồng, thành lập mới tổ hợp tác hỗ trợ 10 triệu đồng. Hiện trên địa bàn có 22 hợp tác xã (tăng 09 hợp tác xã so với thời điểm 31/12/2003), tổng số vốn 91,021 tỷ đồng (tăng 67,8 tỷ đồng) với 6.677 thành viên, tổng doanh thu đạt 17,911 tỷ đồng (bình quân 814 triệu đồng/hợp tác xã), nộp ngân sách các khoảng 806 triệu đồng/năm. Tất cả các hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới theo Luật Hợp tác xã 2013. Bên cạnh đó, có 36 tổ hợp tác hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm thường xuyên cho 302 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/ tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Tiêu biểu là Hợp tác xã may Ngọc Long (phường Nam Hồng) được thành lập năm 2016 với 07 thành viên, số vốn 3,8 tỉ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động. Xây dựng được nhà xưởng rộng 400 m và đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng cùng sự nhạy bén trong kinh doanh, do vậy sản phẩm của Hợp tác xã ngày càng tăng,  tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lương (phường Trung Lương) có 1.350 thành viên, số vốn 9,032 tỷ đồng, tổng doanh thu trong kỳ đạt 905 triệu đồng. Ngoài tổ chức tốt các dịch vụ như: Bảo vệ thực vật, thủy nông, cung ứng phân bón, lúa giống..., Hợp tác xã có chính sách hỗ trợ học phí 100% cho con em thành viên đi học chuyên ngành kinh tế nông nghiệp để về phục vụ Hợp tác xã; hỗ trợ 10% đối với trường hợp đầu tiên mua máy gặt đập liên hoàn và máy làm đất.

Tuy vậy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về quan điểm phát triển kinh tế tập thể chưa đầy đủ. Số hợp tác xã hoạt động khá và tốt còn ít (bằng 18%), tỷ lệ hợp tác xã ngừng hoạt động khá lớn (36%). Quy mô các tổ hợp tác, mô hình kinh tế trên địa bàn nhỏ, manh mún. Một số tổ hợp tác xây dựng phương án sản xuất và các loại hình dịch vụ chưa sát với thực tiễn và nhu cầu của thị trường. Riêng các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp vốn lưu động ít, lệ thuộc vào nguồn hỗ trợ thủy lợi phí.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác, ngoài tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyền truyền, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, thị xã Hồng Lĩnh sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như triển khai các dự án trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thay đổi phương thức quản lý kinh tế tập thể. Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các hợp tác xã, tổ hợp tác để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động có hiệu quả. Hỗ trợ các hợp tác xã tham gia xây dựng chuỗi giá trị trong liên kết liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Thực hiện Chương trình OCOP, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác lồng ghép với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Lê Hồng Hạnh - Ban Kinh tế - Xã hội, Hội đồng nhân dân thị xã Hồng Lĩnh
https://hatinh.dcs.vn