Thường trực HĐND thị xã : Giám sát tại Trung tâm UDKHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi về các chương trình, mô hình sản xuất triển khai thực hiện ở xã Thuận Lộc.

Đoàn giám sát của thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh vừa tổ chức làm việc với Trung tâm UDKHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã về về các chương trình, mô hình sản xuất triển khai thực hiện ở xã Thuận Lộc trong 2 năm 2011-2012 . Đ.C Phan Thị Hồng Xoan – Phó chủ tịch thường trực HĐND thị xã đã chủ trì buổi làm việc.
Qua giám sát của đoàn cho thấy: Trong 2 năm 2011-2012, Trung tâm UDKHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã đã triển khai tại xã Thuận Lộc 6 chương trình, mô hình, dự án khuyến nông, trong đó có 4 mô hình trồng trọt, hầu hết các mô hình đã được thực hiện thành công và có một số mô hình đã và đang được nhân ra diện rộng đem lại hiệu quả tích cực như : Giống lúa TH3-3; VS1: QR1; Riêng 2 chương trình chăn  nuôi là chương trình Zêbu hóa đàn bò phối được 274 con bò có chữa, dự án khí sinh học Biogas đã xây dựng được 22 bể đúng theo quy trình kỷ thuật.
      Tuy nhiên qua thực hiện các mô hình, chương trình trên địa bàn xã Thuận lộc vẫn còn có một số tồn tại đó là: Do điều kiện đất đai có hạn, lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm nên việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn; Điều kiện tiếp cận với các chính sách của TƯ, của Tỉnh  yêu cầu quá cao so với tiềm lực của nông dân. Nguồn lực của Thị xã và xã đầu tư, khuyến khích mô hình còn hạn chế nên chưa có mô hình điển hình. Thời tiết diễn biến phức tạp, giá đầu vào cao, vật tư tăng giá và dịch bệnh gia tăng nên ảnh hưởng đến phát triển đầu tư của các mô hình.
     Để các mô hình, các chương trình thành công trên địa bàn xã Thuận Lộc, góp phần xây dựng nông thôn mới, các thành viên trong đoàn giám sát mong muốn trong thời gian tới Trung tâm UDKHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi thị xã cần tăng cường công tác tác tuyên truyền, phối hợp để quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh và đối tượng sản xuất một cách hiệu quả và ổn định, tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất, lựa chọn cây con có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời tạo mọi điều kiện về vốn, giống và các cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp về đầu tư vào các vùng sản xuất tập trung kể cả chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm./.
 
 Tin và ảnh: Thu Hằng