Các đ/c Lãnh đạo Thị xã Kỳ Anh dâng hoa, hương nhân lễ giổ lần thứ 639 năm ngày mất Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu
- Thứ bảy - 19/03/2016 04:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đoàn có đồng chí Nguyễn Đình Hải-Tỉnh ủy viên – Bí thư Thị ủy, Đ/c Dương Thanh Hòa- Phó bí thư Thường trực Thị ủy, Đ/c Nguyễn Quốc Hà – Phó bí thư Thị ủy- Chủ tịch UBND thị, đ/c Võ Thị Hương -Quyền chủ tịch HĐND thị, đ/c Nguyễn Thế Anh- UVBTV- Chủ tịch UBMT TQ thị, cùng các đồng chí UVBTV Thị ủy, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp thị. Tại đây các đồng chí lãnh đạo Thị đã kính cẩn dâng đài hoa được kết với 639 bông hoa hồng và thắp hương trước anh linh của chế thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu và cầu mong sự phù hộ độ trì của thánh mẫu cho quốc thái dân an, mọi điều tốt lành đến với Đảng bộ, chính quyền nhân dân thị xã Kỳ Anh.
Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, quê ở xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cha là Nguyễn Tướng Công- một vị quan đời Trần, tư chất thanh liêm, mẹ là Phạm Phu Nhân. Mãi tới năm Phạm Phu Nhân 40 tuổi bà mới có thai và sinh được một người con gái, ông bà rất đỗi vui mừng nâng niu con như ngọc bích trong tay và đặt tên cho con là Ngọc Bích Châu. Cô gái lớn lên đẹp người, đẹp nết lại được cha mẹ dạy dỗ chu tất, nên đến năm 13 tuổi đã thông thạo "Tứ thư ngũ kinh". Năm Long Khánh thứ nhất (1373), Vua Trần Duệ Tông giáng chọn nhân tài, Bích Châu trúng tuyển vào cung, lấy hiệu là Phù Dung. Vào cung, nàng được vua Trần rất yêu quý và phong Bà là Quý Phi, lúc bấy giờ thấy Triều cương ngày càng sa sút, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, nàng bèn thảo " Kê minh thập sách" dâng lên Vua Trần Duệ Tông bày tỏ mười điều bâng khuâng tấc dạ:
1. Bền gốc nước trị kẻ bạo tàn cho lòng dân được yên.
2. Giữ đúng quy định, xoá bỏ phiền nhiễu thì triều cương không rối.
3. Trị kẻ lạm quyền tránh hoạ ngầm cho nước
4. Đuổi hết bọn tham nhũng cho dân đủ sống
5. Chấn chỉnh học hành, lễ nghĩa cho sáng tỏ đất trời
6. Mong nghe được lời nói thẳng, mở rộng cửa ngôn luận như mở rộng cửa thành
7. Chọn quân thì nhằm vào dũng lực, không nhằm vào vóc dáng cao lớn.
8. Chọn tướng thì nhằm vào tài thao lược, không nhằm vào thế gia.
9. Vũ khí cần sắc bén, không cần trang trí sặc sở
10. Tập trận thì cần chỉnh tề, chặt chẽ chứ không giở trò múa may cho đẹp.
Mười điều của Quí phi dâng Vua cách đây gần 640 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Năm Đinh Tỵ 1377 Vua Duệ Tông thân chinh cất quân đánh Chiêm Thành, đạo quân của triều đình được chia làm ba cánh quân, trống dong, cờ mở tiến thẳng tới biên thùy. Vua Trần cho quân tiến vào biển Thị Nại và đóng quân ở Đông Y Mang. Vào lúc nửa đêm ngày 10 tháng 2 năm 1377, quân địch tổ chức lực lượng bất ngờ tiến đánh vào doanh trại của cánh quân vua Trần Duệ Tông. Bị tiến đánh bất ngờ, lại lơ là mất cảnh giác nên quân của triều đình lâm vào tình cảnh khốn khó, long thể vua Trần có nguy cơ bất an, khó bảo toàn được tính mạng. Trong tình thế đó, để bảo vệ vua, Bích Châu thân chinh đứng ra chỉ huy đạo quân vừa bảo vệ vua lên xe giá, vùa chỉ huy cánh Trung quân xông pha trận mạc bảo vệ vua. Trong trận chiến, thật không may Bích Châu bị trúng mũi tên độc. Rạng sáng ngày 11 tháng 2 năm 1377, sau khi hội quân về địa điểm an toàn, quí phi Nguyễn Thị Bích Châu đã bất tỉnh. Quân sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng vì vết thương quá nặng, nên đến giữa đêm, vào giờ Tý ngày 12 tháng 2 năm 1377, quí phi Nguyễn Thị Bích Châu đã ra đi.
Ba ngày sau khi Bích Châu mất, vua Trần Duệ Tông cũng băng hà. Sau khi vua chết, ba cánh quân được lệnh hồi quân về triều. Linh cữu của vua Trần Duệ Tông và quí phi Bích Châu được đưa xuống thuyền về theo đường thủy, do đô đốc Lê Long Tĩnh cùng 50 chiến thuyền hộ giá. Đoàn thuyền về đến tận đất Châu Hoan thì bị trận nghịch phong không tiến lên được, đành phải trú quân vào vũng Ô Tôn (Vũng Áng) để tránh gió. Linh cữu của vua Trần Duệ Tông được rước về theo đường bộ để triều đình kịp an táng, làm lễ; còn linh cữu của quí phi để lại, chờ sóng yên biển lặng sẽ tiếp tục hành quân tiếp. Sau một ngày chờ đợi, đoàn thuyền cùng với thi hài của quí phi tiếp tục hành quân về triều. Nhưng đi được khoảng 500 dặm thì lại bị gió Bắc tràn xuống làm cho đoàn thuyền không tiến lên được. Quan hướng đạo liền cho quân lánh vào trú ở Cửa Khẩu thuộc Kỳ Hoa (nay là thị xã Kỳ Anh). Chờ lâu ngày biển không yên, triều đình xuống chiếu cho an táng linh cửu của quí phi tại bản xứ (Cửa Khẩu) và đồng thời lập miếu thờ vọng tại chân núi Mũi Dòn (đèo Eo Bạch - Vũng Áng ngày nay) để nhân dân ngày đêm hương khói thờ phụng.
Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu
Trãi qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu luôn được nhân dân trong vùng chăm nom, giữ gìn, tôn tạo, bảo quản chu đáo và ngày đêm hương khói. Năm 1991, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Lịch sử - Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Hằng năm đến tháng 2 Âm lịch, nhân dân địa phương và đạo hữu xa gần lại hành hương về đền thờ Thánh Mẫu để tế lễ, dâng hương tưởng nhớ đến ngày mất của Bà; cầu phúc cho bản thân, gia đình và người thân.
Để tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ công lao của Quí Phi Nguyễn Thị Bích Châu, hàng năm cử vào ngày 11/2 âm lịch. Xã Kỳ Ninh và Ban quản lý di tích đền thờ chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu tổ chức lễ giổ, để du khách thập phương xa gần đã đến thắp hương tưởng nhớ công lao của người Phụ nữ vi dân, vì nước.
Cũng nhân dịp lễ giổ 639 năm ngày mất chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, trong những ngày này xã Kỳ Ninh cùn ban quản lý đền thờ đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như tổ chức giải bóng chuyền, hội diễn văn nghệ quần chúng và thả đèn hoa đăng…/.
Theo Hồng Chúng – Quỳnh Nga – Anh Tuấn/TX Kỳ Anh