Đổi thay cuộc sống mới của phụ nữ trên vùng tái định cư

Đổi thay cuộc sống mới của phụ nữ trên vùng tái định cư
Trong những năm qua, người dân nhiều địa phương ở thị xã Kỳ Anh đã tự nguyện di dời, chuyển đến nơi ở mới, để nhường mặt bằng cho việc triển khai các dự án kinh tế. Vấn đề đặt ra sau di dời đó là việc làm sẽ được giải quyết như thế nào, để thích ứng trong điều kiện mới của người lao động, nhất là với lao động nữ, là điều không hề đơn giản. Trong bối cảnh đó, Hội liên hiệp phụ nữ thị xã Kỳ Anh đã có nhiều giải pháp, cách làm phù hợp, đồng hành cùng chị em vùng tái định cư thúc đẩy phát triển sản xuất. Đến nay, nhiều mô hình kinh tế mới đã xuất hiện và thực sự đem lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống gia đình hội viên.

      Sau khi nhường đất phục vụ dự án Formosa, chuyển lên vùng tái định cư tại phường Kỳ Liên, cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình bà Trần Thị Hiệp hết sức trăn trở, lo lắng về việc làm và thu nhập. Bà Hiệp đã tận dụng diện tích đất vườn ít ỏi ở vùng tái định cư, trên cơ sở học hỏi kỹ thuật và nguồn vốn hỗ trợ từ sự tín chấp của Hội phụ nữ, để mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng và sản xuất nấm ăn. Khu nhà xưởng được đầu tư xây dựng 100m2,  sản xuất 700 - 800 bịch nấm sò và nấm mộc nhĩ, sau khi trừ chi phí còn thu lãi khoảng 40 triệu đồng cho một chu kỳ sản xuất 6 tháng. Diện tích còn lại gia đình bà Hiệp dành để trồng các loại rau dưa và nuôi gà thịt. Gia đình còn thuê thêm 400m2 đất để trồng rau, củ quả. Sự cần cù, chịu khó đã mang lại những mùa quả ngọt. Nguồn rau xanh có bán quanh năm.

       Đối với gia đình chị Hoàng Thị Oanh, ở tổ dân phố Quyết Tiến, phường Kỳ Phương cũng đã hết sức trăn trở, để rồi sau nhiều nỗ lực tìm tòi đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp làm ăn hiệu quả. Sau khi lên vùng tái định cư, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ hết sức khó khăn, chồng đi làm công nhân ở KKT Vũng Áng, chị  Hoàng Thị Oanh đã mạnh dạn xin địa phương cấp 1000 m2 đất để gia đình thực hiện mô hình kinh tế trang trại. Những ngày đầu, gia đình, bố mẹ hai bên đều hết sức can ngăn bởi sợ chị một mình không thể cáng đáng nổi. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, chị Oanh đã cùng chồng mạnh dạn vay Ngân hàng với số tiền 1 tỷ đồng để xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Buổi đầu chị đã trồng các loại cây rau dưa, cây ăn quả các loại và nuôi gà cỏ thả vườn. Năm 2016, được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ phường Kỳ Phương về tập huấn khoa học kỷ thuật, thành lập tổ chăn nuôi lợn liên kết Kỳ Phương, chị đã tham gia vào tổ hợp tác. Chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín với diện tích 250m2, làm 4 bể bioga để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ được tập huấn, thả nuôi đảm bảo đúng quy trình, nên mô hình chăn  nuôi lợn của gia đình chị phát triển tốt, bình quân mỗi lứa nuôi thả 200 con lợn,  mỗi năm xuất chuồng 4 lứa lợn, trừ chi phí đầu tư, mỗi lứa lãi khoảng 50 -70 triệu đồng, tổng thu nhập từ chăn nuôi  250- 300 triệu đồng/1 năm. Ngoài việc chăn nuôi lợn, mỗi lứa chị còn thả nuôi 1000 con gia cầm và trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

      Không cam chịu với sự khó khăn thiếu thốn, mỗi hội viên phụ nữ ở các vùng tái định cư ở thị xã Kỳ Anh đều tìm cho mình một hướng đi phù hợp. Gia đình chị Dương Thị Lý ở thôn Đông Yên 3, xã Kỳ Lợi từ khi chuyển lên vùng tái định cư Ba Đồng đã tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi gà đẻ trứng do Hội phụ nữ thành lập.  Từ nguồn vốn của TW Hội Liên hiệp phụ nữ, chị Lý cùng với các thành viên khác đã được hướng dẫn kỷ thuật chăn nuôi gà, đầu tư vào làm chuồng trại quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua 3 năm triển khai, đến nay, mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Dương Thị Lý đã đạt quy mô 500 con gà đẻ trứng. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, phòng trừ dịch bệnh kịp thời nên bình quân mỗi ngày, gia đình thu từ 300 quả trứng gà, với giá bán 3500 đồng mỗi quả, trừ chi phí, mỗi ngày còn thu về khoảng 400 nghìn tiền lãi. Không chỉ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, chị còn là thành viên tích cực hướng dẫn về cách nuôi và chăm sóc gà cho các hội viên khác trong thôn.

     Kỳ Lợi là địa phương có nhiều hội viên phụ nữ lên vùng tái định cư, gần 600 gia đình hội viên phụ nữ đã ổn định nơi ở mới. Ngoài một số chị em trong độ tuổi có thể đi làm công nhân ở Khu kinh tế Vũng Áng thì đại đa số chị em đều không có đất sản xuất nông nghiệp, không có việc làm ổn định. Vì vậy, những năm qua, với sự quan tâm của các cấp các ngành, sự vào cuộc của Hội phụ nữ, nhiều mô hình kinh tế mới đã ra đời và mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.

      Chị Hà Thị Lam- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh cho biết: “Để giúp hội viên phụ nữ ở các vùng tái định cư sớm ổn định cuộc sống, những năm qua, Hội  phụ nữ phối hợp với phòng LĐTBXH, các trường Trung cấp nghề, Trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật mở các lớp đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho chị em vùng tái định cư. Trên 40 lớp đào tạo nghề chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò, thú y, nữ công gia chánh, chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời, ủ phân vi sinh hữu cơ, kỹ thuật trồng cây dược liệu, hướng dẫn sản xuất theo chuỗi liên kết, khởi sự kinh doanh... đã được tổ chức cho gần 2000 chị em phụ nữ tham gia. Bên cạnh đó, Hội phụ còn đứng ra nhận ủy thác từ các Ngân hàng để giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

     Giờ đây cuộc sống mới trên các vùng tái định cư ở thị xã Kỳ Anh đang dần ổn định, trong đó có nhiều hội viên phụ nữ đã mạnh dạn, đổi mới trong cung cách làm ăn. Những mô hình kinh tế mới ngày càng phát triển đã giúp cho người dân vùng tái định cư nói chung và gia đình hội viên phụ nữ nói riêng dần hòa nhịp với sự phát triển của thị xã, chung tay góp sức xây dựng quê hương.

 

                    Theo Quỳnh Nga- Anh Tuấn/thixakyanh.hatinh.gov.vn