Thị xã Kỳ Anh- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao điều kiện, chất lượng dạy học trên địa bàn

Thị xã Kỳ Anh- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, nâng cao điều kiện, chất lượng dạy học trên địa bàn
Xác định xã hội hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển sự nghiệp giáo dục. Thời gian qua cấp uỷ, chính quyền và ngành giáo dục thị xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội, làm cho mọi người, mọi tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo trên địa bàn.

Thị xã Kỳ Anh được thành lập năm 2015 trên cơ sở tách ra từ huyện Kỳ Anh theo Nghị quyết số 903/NQ-UBTVQH13, ngày 10/4/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII trên cơ sở điều chỉnh 28.025,03 ha diện tích tự nhiên và 85.508 nhân khẩu của huyện Kỳ Anh. Trong điều kiện kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn sau sự cố môi trường biển, ngân sách đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế, việc xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực từ nhân dân được xem là giải pháp đem đến hiệu quả tích cực, góp phần giúp ngành giáo dục giảm bớt khó khăn để nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường.

Trong quá trình thực hiện công tác xã hội hóa, thị xã đã luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động Xã hội hóa bằng nhiều biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó chú trọng thu hút nguồn đầu tư tư nhân, hỗ trợ phát triển giáo dục từ các đơn vị doanh nhiệp trên địa bàn để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu dạy học. Khuyến khích các tập thể, cá nhân, các nhà doanh nghiệp đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp với quy hoạch, yêu cầu và đặc điểm của giáo dục; tiếp tục đa dạng hoá các loại hình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng để thúc đẩy các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập phát triển cả về quy mô và chất lượng.

 

 

Dự án Trường Mầm non Hoa Sen được đầu tư trên 35 tỷ đồng đã đi vào hoạt động hiệu quả

 

Trong hai năm qua, thị xã đã huy động nguồn từ công tác xã hội hóa giáo dục với trên 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở dạy học tư thục, hệ thống các phòng học, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học tạo điều kiện bổ sung cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí hỗ trợ đầu tư 5 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) Hà Tĩnh hỗ trợ đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng 2 hệ thống nhà học 2 tầng (6 phòng học) đạt chuẩn theo Thông tư 02 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại các trường mầm non: Kỳ Hà, Kỳ Thịnh.

Huy động từ phụ huynh học sinh hơn 30 tỷ đồng để xây dựng, tu sửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Đặc biệt đã thu hút Công ty TNHH phát triển giáo dục HBE và Công ty Giáo dục trí tuệ Việt xây dựng 02 trường mầm non tư thục chất lượng cao với tổng mức đầu tư gần 52 tỷ đồng nhằm giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều cơ hội lựa chọn môi trường học tập tại chỗ cho con em mình.

 Ngoài ra, Công ty Sam Sung C&T thông qua tổ chức GCS Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng Thư viện cộng đồng với tổng trị giá 5,6 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị và hơn 25.000 đầu sách, tạo điều kiện cho học sinh và người dân thị xã có được không gian giao lưu văn hóa, động lực mới, khơi gợi nhiều sáng tạo, cảm xúc, đam mê đối với sách và thư viện, phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thị xã Kỳ Anh.

Hiện nay, thị xã đang tiếp tục xúc tiến để xây dựng 01 trường tiểu học tư thục và 01 trường mầm non tư thực với tổng giá trị đầu tư trên 50 tỷ đồng.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Cấp uỷ, chính quyền thị xã, công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo của các trường học trong toàn thị xã về cảnh quan trường lớp, điều kiện dạy và học của thầy và trò, góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Quy mô, loại hình trường, lớp không ngừng được phát triển ở tất cả các bậc học, cấp học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Toàn thị xã có 37 trường học; trong đó, ngành học Mầm non có 12 trường công lập với 5.872 cháu; 2 trường mầm non tư thục chất lượng cao với 406 cháu; cấp Tiểu học có 11 trường với 7.399 học sinh; cấp Trung học cơ sở có 10 trường với 5.020 học sinh; cấp Trung học phổ thông có 2 trường với 2.883 học sinh; có 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; 13 Trung tâm học tập cộng đồng tại 12 xã, phường.

Song song với việc phát triển quy mô hệ thống trường lớp, các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh. Trong đó, vấn đề trọng tâm được tập trung giải quyết là xây dựng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm. Giáo viên được tạo điều kiện theo học các chương trình hoàn chỉnh, cao đẳng, đại học và sau đại học để nâng cao trình độ.

Nhiều chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, tích cực hoá hoạt động của người học được chú trong thực hiện ở các cấp học, bộ môn. Đến nay, đội ngũ giáo viên ở các bậc học, cấp học cơ bản đã đạt chuẩn trình độ đào tạo, tỷ lệ trên chuẩn đào tạo ngày càng cao, ở bậc học mầm non là 83%, tiểu học 88,5 %, THCS 79,8%, có 02 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sỹ.

 

Một tiết học ngoại ngữ với giáo viên người bản ngữ tại trường MN Hoa Trạng Nguyên

 

Cơ sở vật chất trường học được tập trung đầu tư xây dựng từ việc huy động nhiều nguồn lực khác nhau và đã có bước phát triển đột phá. Hệ thống phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng được xây dựng theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá; trang thiết bị trường học được mua sắm, bổ sung đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp dạy học.

Đến nay, toàn thị xã có 620 phòng học, trong đó có 486 phòng kiên cố chiếm 78,4%; 134 phòng bán kiên cố, chiếm 21,6%; 18 phòng thư viện, 16 phòng thí nghiệm và 61 phòng học bộ môn; 156 phòng chức năng. Hầu hết các trường trung học và nhiều trường tiểu học đã có phòng Tin học, Ngoại ngữ, có máy chiếu đa năng hỗ trợ cho việc dạy học, đã kết nối mạng Internet để truy cập và khai thác thông tin…Cảnh quan sư phạm trường học được quy hoạch, cải tạo khang trang, sạch đẹp, có sức thu hút và tính giáo dục cao.

Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phong trào xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia phát triển rầm rộ ở khắp các địa phương, thu hút được sự quan tâm, nỗ lực phấn đấu của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của các trường học và của toàn xã hội. Ngoài việc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, nhân dân đã tự giác tham gia hàng vạn ngày công để chỉnh trang cảnh quan trường học.

Toàn thị xã 7 trường Mầm non, 6 trường Tiểu học, 5 trường THCS, 2 trường THPT được công nhận là trường chuẩn quốc gia, trong đó có 3 trường mầm non và6 trường Tiểu học đạt chuẩn mức 2; nhiều xã, phường tất cả các trường học đều đạt chuẩn quốc gia như: Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Hoa,... Trong bình diện chung đó, một số trường học đã vượt lên để trở thành những điển hình tiên tiến có sức thu hút và lan toả trong phạm vi toàn tỉnh, tiêu biểu như trường THCS Sông Trí, TH Kỳ Phương, MN Kỳ Liên - Là những đơn vị dẫn đầu cấp học trong toàn tỉnh.

 

Lễ cắt băng khánh thành trường mầm non Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh

 

Đất nước đang chuyển mình bước vào thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thị xã Kỳ Anh đã và đang mang trong mình dáng vóc của đô thị công nghiệp hiện đại. Đây sẽ là một thành phố trẻ năng động, hiện đại phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tình hình mới đang đặt ra cho thị xã những nhiệm vụ mới, thử thách mới trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa tương xứng với sự phát triển kinh tế trên địa bàn.

Thời gian tới, thị xã Kỳ Anh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và trường trọng điểm  trên địa bàn; tăng cường đầu tư trang, thiết bị đồ dùng dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hoá; quan tâm, chăm lo bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi, học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn được thụ hưởng thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao hơn. Cấp ủy, chính quyền thị xã sẽ tiếp tục ưu tiên chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho thanh niên và người lao động; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đảm đáp ứng với yêu cầu mới; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đáp ứng nhu cầu dạy học trong các nhà trường.

Vẫn còn đó những lo toan, trăn trở, những khó khăn và những điều chưa làm được nhưng với sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân toàn thị xã và các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; phát huy truyền thống, những thành quả tốt đẹp của mình, tin tưởng rằng giáo dục thị xã Kỳ Anh sẽ tiếp tục có bước phát triển mới vững chắc hơn trên con đường xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh./.

                                             Theo PHAN DUY VĨNH

                           UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã
(nguồn thixakyanh.hatinh.gov.vn)