Thị xã Kỳ Anh: Tái cơ cấu nông nghiệp trọng tâm, trọng điểm
- Thứ ba - 28/05/2019 00:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất
Xác định nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình là đòn bẩy trong phát triển kinh tế ở địa phương, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ Nhất, các chỉ thị, nghị quyết của Ban Thường vụ Thị ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, UBND thị xã đã cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách để tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Toàn thị xã hiện có 41 HTX, trong đó có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gồm 03 HTX trồng trọt, 04 HTX chăn nuôi, 03 HTX nuôi trồng thuỷ sản, 04 HTX thu mua, khai thác thuỷ sản và 02 HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, tuy nhiên qua rà soát chỉ có 18 HTX hoạt động khá, tốt chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Do vậy, trên cơ sở đánh giá những lợi thế, ưu điểm, hạn chế của các HTX hiện có, UBND thị xã đã chỉ đạo phòng chuyên môn, Trung tâm Bảo vệ cây trồng vật nuôi, chuyển giao KHKT hỗ trợ, đồng hành, khâu nối, tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ nguồn lực cho một số HTX, tổ chức tập huấn, hướng dẫn để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các HTX, nhất là việc hỗ trợ tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị sản xuất, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, phát triển thị trường vv...Nhờ vậy, nhiều HTX đã được củng cố, hoạt động có hiệu quả.
Kiểm tra Mô hình Sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại HTX Mạnh Cường, xã Kỳ Nam
Trong đó một số HTX tiêu biểu như: HTX Mạnh Cường tại xã Kỳ Hà, với mô hình “sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời”. Đây là mô hình tiêu biểu cho việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Chất lượng nước mắm thơm ngon, chi phí nhân công giảm còn một nửa so với phương pháp làm nước mắm truyền thống. Với công suất 40.000 lít/năm, hệ thống vận hành tự động, khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thời gian lên men, công lao động sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường, doanh thu mỗi năm đã đạt từ 3 - 3.5 tỷ đồng; HTX thu mua và chế biến thuỷ hải sản Chiến Thắng, xã Kỳ Ninh với 08 thành viên tham gia góp vốn sản xuất, kinh doanh, quy mô đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng, bao gồm 2 cơ sở sản xuất có diện tích hàng ngàn m2 sân phơi cá và đặt hệ thống sản xuất nước mắm, đã đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động với thu nhập bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện Sản phẩm khô và nước mắm của HTX làm ra được khách hàng ưa chuộng và được tiêu thụ tại nhiều thị trường trên toàn quốc; các HTX về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản được cũng cố và hoạt động khá hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá.
Đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư, đến nay mô hình nuôi cá lồng bè trên thượng
nguồn Sông Trí, xã Kỳ Hoa bước đầu đem lại hiệu quả, tăng thu nhập của các hộ dân.
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các HTX đã có sự nỗ lực tự thân, “chuyển mình” về tư duy, phương thức sản xuất, chủ động khắc phục khó khăn, tập trung khai thác thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ khá hiệu quả.Từ thực tế trên cho thấy, để đẩy mạnh, phát triển các HTX nói riêng và kinh tế tập thể nói chung thì ngoài sự hỗ trợ đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, bản thân mỗi HTX phải tự đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hành động, từ đó tìm ra lối đi, hướng phát triển phù hợp, dần hình thành nên bức tranh chuyên môn hoá trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Thay đổi tư duy sản xuất - Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Vừa giữ vai trò “đầu kéo” trong liên kết xây dựng mô hình, vừa xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu. Thời gian qua, thị xã đã đóng vai trò khâu nối với các doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm tạo ra mắt xích trong chuỗi sản xuất nông sản liên kết lại với nhau để hình thành nên mối liên kết "4 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Theo thống kê, đến nay toàn thị xã có 497 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 362 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó: 51 mô hình lớn ước tính thu nhập bình quân một mô hình đạt 1 tỷ đồng/năm; 49 mô hình vừa, ước tính thu nhập bình quân một mô hình đạt từ 500 triệu đến - 1 tỷ đồng/năm và 262 mô hình nhỏ thu nhập bình quân 100-500 triệu/năm. Đây là kết quả đáng ghi nhận cho sự nổ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các tập thể, cá nhân là chủ các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn.
Để đáp ứng đủ các điều kiện cần và đủ cho một nền nông nghiệp hiện đại, TX Kỳ Anh đang từng bước tạo đà cho các mô hình kinh tế phát triển theo hướng “xanh, sạch, bền vững”. Để phát triển các mô hình kinh tế bền vững, thị xã đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát với từng mô hình chủ lực có ưu thế vượt trội, qua đó đánh giá căn cơ để khuyến cáo nhân rộng mô hình trên địa bàn. Cụ thể ưu tiên xây dựng các mô hình sản xuất tập trung theo hướng trọn vùng, trọn trà, ứng dụng KHKT tiên tiến; Xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư và liên kết sản xuất trên địa bàn. Vận động, kêu gọi xây dựng các mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ tăng trưởng. Đồng thời thực hiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích. Tạo đươc mối liên kết bền vững, cần phải xác định được hạt nhân chính phải là doanh nghiệp. Không chỉ là “khâu nối”, thị xã đã có những chính sách nhằm thu hút mối liên kết doanh nghiệp-nông dân, mở lối tư duy sản xuất, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả bước đầu, vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: Một số địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng việc hỗ trợ các HTX, hộ gia đình trong phát triển sản xuất như xây dựng phương án, kết nối doanh nghiệp, ứng dựng KHKT, tiêu thụ sản phẩm; số mô hình kinh tế được hình thành mới chưa nhiều và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là các mô hình lớn và vừa; đa số người dân vẫn còn giữ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa bắt kịp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại; việc kêu gọi đầu tư, huy động, thu hút các nguồn lực và ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật vào sản xuất hạn chế. Cơ sở hạ tầng thiết yếu của các vùng sản xuất tập trung còn khó khăn, công tác tích tụ đất để phát triển sản xuất còn bất cập, quy hoạch đất chủ yếu nằm trong quy hoạch khu kinh tế, vì vậy đã hạn chế việc xây dựng mô hình nhất là các mô hình có quy mô lớn, vv…
Tận dụng tối đa ưu thế vùng, tập quán canh tác, sản xuất cộng với nhu cầu từ thị trường, thị xã Kỳ Anh đang mạnh dạn tìm hướng đi trong xây dựng mô hình kinh tế, riêng trong hai năm 2017-2018, đã đưa vào thử nghiệm trên 40 mô hình mới, gồm các nhóm mô hình: Nuôi hàu Đại dương, Cá Bống bớp, Chạch bùn, Cá Chình, Gà siêu trứng, Cá lồng bè trên sông v.v..Sau hai năm thử nghiệm đến tháng 4/2019, thị xã đã tiến hành sơ kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các mô hình kinh tế. Đặc biệt qua sơ kết đã đánh giá tính hiệu quả của các mô hình để có định hướng tập trung nhân rộng một số nhóm mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá, phù hợp điều kiện tự nhiên và tập tục canh tác của người dân địa phương. Đồng thời giúp cho các chủ mô hình, cá nhân, hộ sản xuất có cái nhìn tổng thể về phát triển đối với từng loại mô hình gắn với đầu ra sản phẩm.
Từ thực trạng nêu trên, thị xã Kỳ Anh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Với việc thực hiện có hiệu quả các mô hình trình diễn đã góp phần quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân. Trên cơ sở các nội dung của đề án, thị xã đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng phát huy lợi thế địa phương, tăng cường liên kết ổn định đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tăng cường kết nối thử nghiệm những giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao, phù hợp đặc thù về điều kiện tự nhiên và tập quán của người dân thị xã Kỳ Anh. Tạo thuận lợi bằng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Theo Phan Duy Vĩnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã
Nguồn thixakyanh.hatinh.gov.vn