Triển vọng mới từ mô hình nuôi chim trĩ

Triển vọng mới từ mô hình nuôi chim trĩ
Với bản tính ham học hỏi, thích tìm hiểu, ứng dụng các mô hình mới mong làm giàu, thời gian qua, gia đình bà Lê Thị Huyền, TDP Liên Minh, P.Kỳ Long đã đầu tư phát triển mô hình nuôi chim trĩ. Mặc dù khá mới lạ song không kém phần triển vọng về hiệu quả kinh tế trước nhu cầu lớn của thị trường tiêu thụ.

Tháng 6/2017, với mong muốn phát triển mô hình chăn nuôi tăng thu nhập kinh tế, gia đình bà Lê Thị Huyền đã quyết định đầu tư nuôi chim trĩ. Trong đó toàn bộ khâu mua giống, kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh do hai người con trai của bà tự tìm hiểu qua sách báo, ti vi và mạng internet.

 

 

Với kinh phí đầu tư cơ sở gần 400 triệu đồng, ban đầu gia đình bà Huyền làm chuồng nhỏ, sau đó mới mở rộng quy mô dần theo sự phát triển của đàn vật nuôi. Chuồng trại được chia làm nhiều ô cho từng lứa chim. Mỗi ô chuồng có hệ thống ống cấp nước sạch cho chim uống, máng thức ăn…Từ 60 con chim trĩ giống mua về từ Huế, gia đình bà Huyền đã nhân lên hơn 300 con.

 

 

 Hiện trang trại của bà có 100 con chim trĩ sinh sản và 200 con chim chim thương phẩm cung cấp ra thị trường. "Nuôi chim trĩ khỏe hơn nuôi gà, mau lớn, thức ăn phù hợp với điều kiện ở địa phương như cám, gạo, bắp…,chim trĩ ăn ít hơn gà 1/3, nhưng thịt nhiều và ngon hơn nên lợi nhuận từ nuôi chim trĩ cao hơn so với nuôi gà", bà Huyền chia sẻ thêm.

 

Hệ thống chuồng trại kín gió, sạch sẽ, được ngăn thành từng ô theo lứa tuổi 

Đến nay, sau gần 6 tháng, gia đình bà đã xuất bán chim trĩ thương phẩm, mỗi con trống đến khi bán nặng khoảng 1,2 đến 1,5 kg, con mái thường nhẹ hơn thường nặng từ 1 kg đến 1,2 kg. Với giá bán mặt hàng này khoảng 220 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng/kg chim thịt, 250 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng mỗi cặp chim giống đã mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho gia đình bà Huyền.

 

Chim trĩ giống chuẩn bị được xuất bán cho các hộ dân ở các địa phương

Ông Lê Thanh Trung- Chủ tịch Hội nông dân P.Kỳ Long cho biết "mặc mô hình nuôi chim trĩ mới được triển khai xây dựng nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình hội viên Lê Thị Huyền, điều này khẳng định khả năng tiếp cận các loại hình chăn nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao của các hội viên nông dân của địa phương, mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho bà con vùng tái định cư Kỳ Long. Thời gian tới các cấp hội sẽ tiếp tục quan tâm, động viên hỗ trợ để gia đình phát triển mở rộng quy mô, đồng thời nhân rộng đến hội viên trên địa bàn".

 

 

Hiện nay trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, nhiều hộ dân đã biết đến loại hình nuôi chim trĩ tuy nhiên vấn đề thị trường tiêu thụ ổn định là điều cần được quan tâm, hỗ trợ để có thể nhân rộng, phát triển mô hình.

 

Chim trĩ đỏ vốn là động quý hiếm có tên trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ. Tuy nhiên hiện nay chim trĩ đã được gây nuôi thành công trong môi trường nuôi nhốt, người chăn nuôi chỉ cần đến đăng ký tại các hạt kiểm lâm địa phương để có giấy phép. Do là loài đặc sản mới được gây nuôi thành công nên hiện nay chim trĩ được nhiều bà con nông dân ưa chuộng đầu tư.

                                                              Theo Minh Hằng-Anh Tuấn/thixakyanh.hatinh.gov.vn