Triển vọng từ mô hình nuôi đà điểu ở Kỳ Hưng

Triển vọng từ mô hình nuôi đà điểu ở Kỳ Hưng
Năm 2016, anh Nguyễn Văn Sỹ, thôn Tân Hà, xã Kỳ Hưng bắt đầu mua đà điểu giống về nuôi. Đây là một mô hình mới được chính quyền địa phương đánh giá là táo bạo và nhiều triển vọng.

Năm 2013, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sỹ, chị Phạm Thị Mỹ quyết định lên khu vực Khe Su, xã Kỳ Hưng lập trang trại với diện tích 4h để chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, trang trại của vợ chồng anh chị có 50 con bò trong đó 10 con bò laisin, 40 bò nái địa phương. Ngoài ra anh chị còn nuôi thêm hơn 200 con gà, trồng 1,5 ha sắn, 05 ha cỏ và rau muống cung cấp thức ăn phục vụ chăn nuôi. Mỗi năm giống bò nái địa phương mà anh chị nuôi sản sinh từ 25-30 bò con, tổng lợi nhuận hàng năm từ chăn nuôi bò, gà của anh chị đạt từ 250-300 triệu đồng. Ngoài ra trang trại còn tạo việc làm ổn định cho 3-4 lao động.

 

 

 

Mô hình chăn nuôi bò

 

          Khi hoạt động của trang trại đã đi vào ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, một lần tình cờ xem trên ti vi giới thiệu về mô hình nuôi đà điểu đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Sỹ nhanh chóng bị lôi cuốn. Nhận thấy điều kiện gia đình mình phù hợp với việc nuôi loài chim khổng lồ này, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi đà điểu trên sách, báo và đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm tại Hợp tác xã Tây Sơn Hà Tĩnh.

 

 

 

Mô hình nuôi đà điểu của anh Nguyễn Văn Sỹ ở xã Kỳ Hưng

 

 

Sau khi có kiến thức vững chắc, tháng 8/2016, anh Sỹ bàn với vợ để mở gia trại nuôi đà điểu. Được sự ủng hộ của vợ, anh sửa sang khu vườn sau nhà để làm chuồng nuôi. Trên diện tích vườn khoảng 3.000m2, anh Sỹ mua 100 con đà điểu tại Hợp tác xã Tây Sơn Hà Tĩnh về nuôi. Với giá 2,8 triệu đồng một con, anh phải bỏ ra hơn 280 triệu đồng, đó là một số tiền không hề nhỏ với một hộ nông dân.

Sau một thời gian nuôi, anh Sỹ nhận thấy, đà điểu là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, chịu rét, chịu nắng tốt và đặc biệt là quy trình chăm sóc tương đối đơn giản. Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn thì chi phí nuôi đà điểu không tốn kém như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc…chứ không phải mua cám công nghiệp đắt tiền. Theo anh Sỹ, nuôi đà điểu từ 6 - 8 tháng là có thể xuất bán ra thị trường. Hiện nay, gia đình anh Sỹ đã được Hợp tác xã Tây Sơn bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Vừa chăn nuôi, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, sau gần 7 tháng nuôi thử, gia trại nuôi đà điểu của gia đình Sỹ đã cho kết quả bước đầu. Đàn đà điểu giống trọng lượng từ 3 đến 4 kg/con khi bắt đầu nuôi đã tăng lên gần 60kg/con. Theo dự tính, tháng 4/2017 vợ chồng anh sẽ xuất chuồng lứa đà điều đầu tiên. Đà điểu bán thương phẩm trên thị trường hiện nay có giá từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, có thể đem lại lợi nhuận gần 180 triệu đồng. Sau khi xuất hết số đà điểu này, gia đình sẽ tiếp tục mua con giống về nuôi và mở rộng quy mô chuồng trại ra đồng rộng để cho đà điểu có không gian rộng rãi để phát triển".

Có thể thấy, đây là mô hình mới đầy triển vọng. Tuy nhiên, để gia trại đà điểu phát triển lâu dài và bền vững thì cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, tạo điều kiện cho trang trại đà điểu với quy mô lớn hơn có thể phát triển, mở ra hướng làm giàu mới cho những hộ dân nơi đây, đồng thời, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn.

 

Theo Minh Hằng-Anh Tuấn/thixakyanh.hatinh.gov.vn