Biến đổi khí hậu là cơ hội cho ngành nông nghiệp cải cách
- Thứ hai - 07/11/2016 21:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong buổi gặp gỡ báo chí tại Hà Nội chiều nay (7/11), tân Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã và đang chịu ảnh hưởng rõ rệt từ biến đổi khí hậu như lũ bão, xâm nhập mặn, hạn hán. Bằng chứng là tăng trưởng ngành nông nghiệp trong 9 tháng đã giảm, gia tốc gia tăng không còn do nền sản xuất lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên.
Người đứng đầu WB tại Việt Nam cho rằng: Sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã và đang thụ động thay đổi trước sự thay đổi hằng ngày, hàng giờ của tự nhiên. Trong thời gian tới, những tác động của biến đổi khí hậu sẽ ghê gớm hơn, nhanh hơn và nặng nề hơn do đó hệ quả sẽ nặng nề hơn. Đây chính là bài toán, là thách thức, đòi hỏi Việt Nam không thể chần chừ trong cải cách nền nông nghiệp, nơi có hơn 65% dân số sống phụ thuộc.
"Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới được đánh giá là chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu như (nước biển dâng, hạn hán, lũ bão...). Thiệt hại đầu tiên là giảm giá trị sản xuất, làm nghèo hóa hơn nông dân sản xuất hoặc sống dựa vào nông nghiệp. Những tác động của biến đổi đang đặt cho Việt Nam những thách thức lớn cần phải nhìn vào hiện trạng nông nghiệp và mục tiêu tương lai để có thay đổi nhanh chóng", ông Ousmane Dione nói.
Theo ông Ousmane, hiện vấn đề hạn mặn, ngập lụt hay thiếu nước đã và đang xảy ra hằng ngày ở những nơi mà bao năm qua Việt Nam vẫn canh tác tự nhiên mà không gặp phải vấn đề gì. Chỉ đến thời điểm hiện nay, khi không còn nước nổi ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hạn mặn xuất hiện thì người nông dân mới cảm nhận được những hệ quả to lớn.
"Những tác động của tự nhiên đang đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu giống mới, cây mới thay thế cho những cây trồng không phù hợp. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa hàng hóa", ông Ousmane nói.
Để làm được điều này, theo ông Ousmane, không thể trồng mãi cây lúa từ hàng trăm năm nay, không thể bắt người nông dân đảm bảo an ninh lương thực trong khi thị trường lúa gạo đang mở cửa.
"Chuyển đổi nông nghiệp cổ truyền sang một nền nông nghiệp hiện đại là yêu cầu bắt buộc đối với Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp cần thay đổi theo nhu cầu thị trường, thay vì những tạo ra sản phẩm trước tìm đầu ra sau", Giám đốc WB chia sẻ.
Ông Ousmane nói: "Những nghiên cứu về giống cây trồng theo sự đa dạng của tự nhiên, thay đổi cách thức sở hữu đất đai, cách thức canh tác... là điều Việt Nam nên làm. Điều quan trọng nhất là chúng ta có sáng tạo hay không và cơ hội để những sáng tạo này có được đi vào cuộc sống là bao nhiêu?".
Đại diện WB cho hay, biến đổi khí hậu hiện chỉ là ngoại lực, là tác động cộng hưởng bộc lộ một nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, tạo giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân chính vẫn là do cơ chế sở hữu đất manh mún, thiếu liên kết chuỗi trong thị trường và thiếu ứng dụng công nghệ để có sản phẩm mới....
"Ngành nông nghiệp Việt Nam chưa xây dựng và mạnh dạn áp dụng cơ chế thuê đất, giao đất dài hạn cho DN, cho người nông dân. Hiện vấn đề này đang được xem là cản trở cho tăng trưởng, năng suất và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Chỉ khi nào, DN, người nông dân được quyền sử dụng đất dài lâu thì họ mới mạnh dạn bỏ vốn, thuê nhân công để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ hóa, giúp gia tăng giá trị... Đây là vấn đề Việt Nam cần cải cách, thay đổi", ông Ousmane chia sẻ.
Theo dantri.com.vn