Bộ trưởng cần hóa giải lo lắng cho nông dân

Đó là mong mỏi của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang)- người thường xuyên có những câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT tại các kỳ họp Quốc hội gần đây. Theo dự kiến, trong các ngày từ 11-14.6, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát (cùng 3 bộ trưởng khác) và bà Ánh Tuyết sẽ tiếp tục chất vấn về vấn đề lo đầu ra cho sản phẩm...

Thưa bà, trong các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế- xã hội nước ta hiện nay, nông nghiệp đang được quan tâm hơn cả. Theo bà, những chất vấn mà ĐBQH sẽ dành cho người đứng đầu ngành nông nghiệp xuất phát từ đâu?

 

Bo truong can hoa giai lo lang cho nong dan
 Lão nông Huỳnh Bạc Lợi (ngụ phường 2, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) rầu rĩ vì 12 tấn hành tím không có đầu ra. Ảnh: CHÚC LY
- Có thể nói, nông nghiệp nước ta đang chịu tác động rất lớn từ hiệu quả trong sản xuất, do hiệu quả thấp dẫn tới sự sụt giảm trong tăng trưởng, xuất khẩu. Đây là những vấn đề mà ĐBQH rất quan tâm, do đó các câu hỏi mà ĐB đặt ra cho Bộ NNPTNT rất nhiều, xuất phát từ chính những bức xúc cử tri cả nước muốn gửi cho Bộ NNPPTNT. Chúng ta cũng biết rằng, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ NNPTNT xây dựng những chiến lược cho ngành, trong đó có Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cá nhân tôi cho rằng, đối với vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc xây dựng và triển khai đề án này. Tôi cũng thấy, từng bước Bộ NNPTNT đã có một sự chuyển đổi, phát huy hiệu quả đối với các sản phẩm nông nghiệp.

 

Cũng phải nói rằng đến thời điểm này, những khó khăn của nông nghiệp cũng do tác động từ bối cảnh chung của thế giới, chứ không riêng Việt Nam.

Trên thực tế, để thực hiện lời hứa với ĐBQH tại các kỳ chất vấn trước đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết sẽ triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành. Theo bà, những hành động của các bộ trưởng thời gian qua đã đủ để đáp ứng được kỳ vọng?

- Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay có địa phương đã xây dựng xong, nhiều địa phương đang trong quá trình xây dựng. Hiện nay, các địa phương đều ý thức về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tôi nghĩ rằng đây là định hướng sống còn, thể hiện rõ nhất ở các văn kiện chính trị của đại hội đảng bộ các cấp đều xác định, việc chuyển dịch cây- con phù hợp, chứng tỏ chủ trương này đã có sự chuyển động, lan tỏa chung trên toàn quốc. Vì vậy, tôi cho rằng vai trò tổng chỉ huy của Bộ NNPTNT trong thực hiện đề án là rất quan trọng, điều hành chung cho cả nước, để từ đó các địa phương làm theo. Nếu chúng ta viết cả trăm, cả nghìn đề án đi nữa mà không có tổng chỉ huy từ ngành nông nghiệp thì các tỉnh cũng không triển khai được. Do đó, có thể khẳng định vai trò của Bộ NNPTNT trong việc thực hiện đề án này mang yếu tố quyết định.

Với thực trạng như hiện nay của ngành nông nghiệp, nhất là vấn đề đầu ra, chất lượng sản phẩm, tại kỳ họp này bà có dự kiến chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT và sẽ chất vấn về những nội dung gì?

Quan điểm
Bà Mai Thị Ánh Tuyết
Quốc hội nên có nghị quyết về nông nghiệp Tôi nghĩ rằng, về phía Quốc hội nên có nghị quyết về nông nghiệp tại kỳ họp lần này. Cụ thể cần nhắm vào hai đối tượng liên quan đến nông nghiệp- đó là nông dân và doanh nghiệp. Nhắm đến nông dân là để chúng ta giải quyết các vấn đề về nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Còn doanh nghiệp, đây cũng là đối tượng đang rơi vào điều kiện rất khó khăn.
- Tôi sẽ xem xét một số vấn đề mà cử tri, nông dân cả nước quan tâm.

Cụ thể, hiện nay tôi đang quan tâm đến vấn đề đầu ra cho nông sản, bởi điệp khúc được mùa, mất giá đã xảy ra thường xuyên rồi. Tôi là ĐBQH nên không phải chuyện tâm tư cá nhân, mà sẽ đặt nặng tâm tư của cử tri đặt ra, bởi họ đang rất lo lắng, sản xuất ra hàng hóa mà không bán được. Vì thế, tôi sẽ đặt câu hỏi này với bộ trưởng, để bộ trưởng có định hướng, giải pháp giúp cử tri yên tâm, sắp tới sản xuất ra sản phẩm không còn lo đầu ra bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp của ngành.

Song song với việc đặt câu hỏi chất vấn với tư lệnh ngành nông nghiệp về những vấn đề trên, bà có hiến kế hay đề xuất gì để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà người nông dân đang gặp phải?

- Tôi cho rằng, trong năm 2015 này, Bộ NNPTNT phải quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là đưa KHCN vào sản xuất- trở thành mũi nhọn để nâng cao chất lượng và cạnh tranh được với các sản phẩm quốc tế. Ngành nông nghiệp cần coi đây là nhiệm vụ trọng điểm để có được sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thế giới, đặc biệt là xâm nhập được vào các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định đối tác thương mại.

Tuy nhiên, muốn triển khai được những việc như thế, tôi thấy rằng cần tập trung vào tổ chức lại sản xuất, chúng ta thường đặt vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi thì đòi hỏi phải hình thành được các hợp tác xã, tổ hợp tác. Song, vừa qua tôi thấy vấn đề này còn rất yếu mặc dù đã có một số doanh nghiệp làm thí điểm nhưng không nhân rộng ra được, do tổ chức sản xuất chưa hiệu quả và nhận thức chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, mấu chốt trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là chất lượng, ATTP. Nếu không cải thiện điều này thì hàng hóa nông sản sẽ rất khó cạnh tranh, khó tồn tại ở trong nước chứ đừng nói ra với nước ngoài.

Xin cảm ơn bà!


  Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 11.2013), Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát  đã nhận được hàng loạt   câu hỏi chất vấn của các ĐBQH liên quan đến vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, quản lý chất lượng vật tư đầu ra, an toàn vệ sinh thực phẩm, nghiên cứu phát triển và quản lý các giống cây trồng, vật nuôi… Sau kỳ chất vấn này, Bộ NNPTNT đã tiến hành triển khai thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện đã có nhiều địa phương triển khai thực hiện đề án này, trong đó đã có một số địa phương làm điểm như Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… 
 
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn):Tái cơ cấu cần chuyển biến nhanh hơn

Có thể nói, vấn đề tiêu thụ nông sản và tháo gỡ khó khăn cho nông dân là vấn đề QH rất quan tâm và đã đưa vào chương trình nghị sự sắp tới để chất vấn. Chắc chắn các ĐB sẽ đặt ra nhiều câu hỏi, ở nhiều góc độ khác nhau để cùng bàn thảo, tháo gỡ vấn đề này. Qua báo cáo của Chính phủ, tôi cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, cả hai bộ trưởng đã rất cố gắng thực hiện những lời hứa trong các kỳ trả lời chất vấn trước. Như Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tích cực trong việc xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả quốc tế và trong nước. Còn ngành nông nghiệp cũng đã tích cực phối hợp thúc đẩy xúc tiến thị trường, nhất là triển khai được một số đề án, trọng điểm là đề án Tái cơ cấu nông nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất của doanh nghiệp và người nông dân. Những việc này vẫn đang trong tiến trình thực hiện và kết quả sẽ tiếp tục được chứng minh, khẳng định trong thời gian tới.  Tuy nhiên, tôi cho rằng để tháo gỡ được những tồn tại trên, việc tái cơ cấu nông nghiệp cần có sự chuyển biến hơn nữa cả về chất lượng, cũng như thời gian. 

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Sẽ chất vấn về vấn đề đê biển

Tại kỳ họp này, tôi đã gửi đến Bộ trưởng Bộ KHCN 2 câu hỏi, liên quan đến vấn đề đưa KHCN vào sản xuất nông nghiệp và vấn đề giống. Còn với Bộ trưởng Bộ NNPTNT, tôi đã gửi một câu chất vấn về vấn đề đê biển phục vụ sản xuất, đảm bảo an toàn, chống xói lở như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình nghe, đọc báo cáo tôi sẽ tiếp tục xem xét thêm những vấn đề khác để  chất vấn các bộ trưởng. Đặc biệt, đối với những vấn đề mà các bộ trưởng đã hứa, đưa ra giải pháp thực hiện nếu thấy chưa thỏa đáng, tôi sẽ thay mặt cử tri để tiếp tục chất vấn.

Ngọc Lê (ghi) 
Theo danviet.vn