"Cách mạng" tái cơ cấu ngành chè
- Thứ sáu - 25/07/2014 04:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Song, mọi việc không hề đơn giản, bởi trên thực tế nhiều DN thuộc sở hữu nhà nước không còn vùng nguyên liệu, chỉ trơ lại bộ khung nhà xưởng, máy móc.
TAN NÁT VÙNG NGUYÊN LIỆU
Theo Hiệp hội Chè VN, vấn đề bức xúc tồn dai dẳng gần 10 năm qua của ngành chè là tình trạng “một người bán vạn người mua”. Trong khi tổng sản lượng chè của VN chỉ đạt 185.000 - 200.000 tấn chè khô/năm, nhưng tổng công suất các nhà máy chế biến từ búp chè tươi lại lớn hơn gấp hai, ba lần là 400.000 - 500.000 tấn chè khô/năm.
Chính sự mất cân bằng cung cầu khiến các vùng nguyên liệu chè đang bị phá nát do nạn tranh mua, tranh bán. Hậu quả, giá chè XK của VN đang thấp nhất thế giới (khoảng 1,8 USD/kg trong khi giá bình quân thế giới 3 - 4 USD/kg) do chất lượng thấp, không ổn định và dư lượng thuốc BVTV luôn ở ngưỡng báo động.
Vậy, nguyên nhân nào đẩy ngành chè lâm cảnh này? Một số người cho rằng, nguồn cơn bắt đầu từ khi Nghị định số 01/NĐ-CP về giao khoán vườn chè cho hộ gia đình ra đời năm 1995. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Chủ tịch Hiệp hội Chè VN, TS Nguyễn Hữu Tài cho rằng, trong bối cảnh sở hữu toàn dân về tư liệu SX lúc bấy giờ, để khắc phục tình trạng vô chủ về tư liệu SX, phương thức khoán kinh doanh vườn chè là hoàn toàn hợp lí.
Bất cập nằm ở chỗ Nghị định 01/NĐ-CP quy định việc mua bán sản phẩm giữa hộ nhận khoán với DN theo giá thỏa thuận từng thời điểm, trong khi DN lại là đơn vị đầu tư từ đầu nên khi xuất hiện một cơ sở chế biến chè mua với giá thanh toán trực tiếp cao hơn (chưa tính chi phí cơ hội đã đầu tư), lập tức hộ gia đình bán chè ra ngoài.
Điểm yếu trong khâu liên kết này bộc lộ rõ nhất khi Luật Doanh nghiệp ra đời. Trước 2005, tất cả các DN chè và nông sản nói chung đều được tổ chức SX và quản lý theo chuỗi giá trị từ SX - chế biến - tiêu thụ nên chất lượng khá đảm bảo. Sau 2005, khi có Luật Doanh nghiệp, ngành chè bắt đầu trở nên nhốn nháo và dần rơi vào sự mất kiểm soát do các địa phương cấp giấy phép cho ra đời tràn lan các nhà máy, cơ sở chế biến chè mini, nhưng không kiểm tra chính xác điều kiện theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn hay Quy chuẩn SX chè do Bộ NN-PTNT ban hành.
Là DN đang đau đầu trước bài toán vùng nguyên liệu bị xâm hại, ông Nguyễn Duy Chánh - GĐ Cty Chè Mộc Châu (Sơn La) cho biết, trên địa bàn huyện Mộc Châu hiện có gần 30 cơ sở chế biến chè với công suất trên 170 tấn/ngày, cộng với công suất của Cty Chè Mộc Châu 170 tấn/ngày là 340 tấn/ngày. Trong khi đó, vùng nguyên liệu chè Mộc Châu có hơn 500 ha, đáp ứng chưa được 60% nhu cầu chế biến.
Mặc dù mỗi năm đầu tư cho bà con nông dân cả chục tỷ đồng tiền phân bón, thuốc BVTV và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, thu hái, song dù cố gắng hết sức Cty Chè Mộc Châu chỉ thu mua được khoảng 70% lượng chè trên vùng do đơn vị quản lí, số còn lại thất thoát do bị các cơ sở mini mua trộm.
“Chúng tôi không hiểu tại sao nhiều cơ sở tại Mộc Châu không có bất cứ vùng nguyên liệu nào vẫn được địa phương cấp giấy phép kinh doanh? Không hiểu Quy chuẩn SX chè theo Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn còn hiệu lực hay không? Đồng ý là DN có quyền làm những gì pháp luật không cấm, nhưng để triển khai hoạt động kinh doanh ai cũng phải chấp hành các luật khác chi phối. Nhưng thực tế, các cơ sở chế biến chè tư nhân tại Mộc Châu đều chăm chăm vào vùng nguyên liệu của chúng tôi, chẳng theo Quy chuẩn nào”, ông Chánh bức xúc.
“Trong trường hợp định giá DN mà khi đấu giá đạt mức tăng khoảng 10 - 20% là có thể chấp nhận được. Nếu cao hơn là định giá sai, nhưng cái sai này không ảnh hưởng tới nhà nước và DN. Còn nếu định giá được phê duyệt mà không có ai mua không chỉ gây hậu quả với DN được định giá còn làm mất uy tín tới cả cơ quan định giá và cơ quan duyệt giá”, Chủ tịch Hiệp hội Chè VN Nguyễn Hữu Tài. |
Thực ra, Cty Chè Mộc Châu chỉ là nạn nhân cuối cùng của nạn tranh mua tranh bán, trước đó hàng loạt DN chè có tên tuổi trực thuộc TCty Chè VN (Vinatea) cũng đã lâm tình trạng phá sản vì mất vùng nguyên liệu. Theo một lãnh đạo của Vinatea, nghịch lý là ở chỗ, các cơ sở chế biến chè tư nhân không phải đầu tư bất cứ một xu nào, nhưng khi trực tiếp trả giá nguyên liệu cao hơn các DN chè quốc doanh một chút là người dân sẽ tìm cách bán cho họ bằng được.
PHẢI QUY HOẠCH LẠI
Hiện, có thực tế đáng buồn với ngành chè VN là những DN nào không đầu tư vùng nguyên liệu vẫn hoạt động có hiệu quả. Ngược lại, DN nào đầu tư cho nông dân càng lớn thì thua lỗ càng sâu. Tuy nhiên, ngành chè vẫn còn một số điểm sáng thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Kon Tum, Phú Thọ do địa phương quản lý đúng pháp luật và có chính sách đúng đắn với các vùng nguyên liệu. Do đó, cần phải có cuộc cách mạng quy hoạch lại ngành chè theo chuỗi giá trị chứ không thể thả nổi như hiện tại.
Bởi cái được lợi nhất khi các DN quản lí được vùng nguyên liệu không chỉ là việc hạn chế được việc tranh mua tranh bán mà các DN chế biến chè kiểm soát được đầu vào đầu ra, đặc biệt là khâu BVTV. Thực tế chứng minh, nhờ quản lí tốt đầu vào, đầu ra, quy trình kỹ thuật mà sản phẩm chè của các DN chè như: Cty Chè Hà Tĩnh, Phú Đa, Phú Bền (Phú Thọ), Biển Hồ (Kon Tum) và một số DN có 100% vốn nước ngoài luôn được đối tác đặt cọc tiền trước, giá bán cao gấp rưỡi giá chè bình quân của VN. Nhờ đó, đời sống thu nhập của người dân tại các vùng chè ngày một nâng cao.
Điều lo lắng hơn cả khi người dân không hái chè theo tiêu chuẩn, quy chuẩn là tình trạng “no dồn, đói góp”, thời điểm thì chè về quá nhiều không chế biến kịp, khi lại không có chè tươi để chế biến. Trong lúc ngành chè khuyến cáo cần hái san trật, san lứa để giảm áp lực thời vụ, tạo năng suất cao và chất lượng tốt cho chè nguyên liệu. |
TS Nguyễn Hữu Tài đề nghị, sau một thời gian cấp phép quá dễ dãi cho các DN, giờ là lúc các địa phương cần rà soát và siết chặt lại các cơ sở chế biến chè trên địa bàn của mình. Làm được việc này không có gì quá phức tạp, chỉ cần chiếu theo các quy định theo Quy chuẩn cơ sở chế biến chè do Bộ NN-PTNT ban hành theo luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn, nếu cơ sở nào không đáp ứng được các yêu cầu tiến hành nhắc nhở, xử lí và nặng có thể tước giấy phép kinh doanh.
Không thể để tồn tại những cơ sở không có cây chè nào, nay mua tranh chỗ này mai mua tranh chỗ khác tồn tại được, vì lâu dài chính người nông dân sẽ chịu thiệt hại lớn nhất bởi tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Để minh chứng cho cảnh báo của mình, ông Tài chỉ ra thiệt hại với ngành chè khi không kiểm soát được vùng nguyên liệu là việc người dân thay vì hái chè bằng tay chuyển sang hái bằng liềm và bằng máy (nếu DN không mua tư nhân bên ngoài sẵn sàng mua).
Thực ra, việc hái bằng máy có nhiều ưu điểm khi nâng cao năng suất lao động, song vườn chè cần phải được tạo tán sau thời kỳ kiến thiết cơ bản, đưa vào kinh doanh và phải hái đúng tiêu chuẩn. Nhưng khổ một nỗi, phần lớn những chiếc máy hái chè của Nhật Bản khi được nhập khẩu về chỉ cắt khoảng 5 - 7 cm đều bị người sử dụng “gia công” lại để cắt búp chè dài trên 15 cm. Vậy là các DN lại phải đầu tư mua máy tách cẫng của nước ngoài hết hàng trăm tỷ đồng (hiện VN có 100 máy tách cẫng, giá 2,5 tỷ đ/chiếc) rất lãng phí.
Vì vậy, Hiệp hội Chè VN lưu ý, quá trình tiến hành tái cơ cấu ngành chè điều quan trọng và cơ bản nhất là tổ chức lại SX và quản lý trên từng địa bàn theo chuỗi giá trị mà Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra. Trong tái cơ cấu, cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước và việc xác định giá trị DN cần phải dựa vào các phương pháp tài sản cộng dòng tiền chiết khấu, không nên dựa vào phương pháp tài sản như các tổ chức tư vấn đang thực hiện.
Thực tế, nhiều DN chỉ còn nhà xưởng, máy móc, vùng nguyên liệu đã bị mất hoàn toàn do đầu tư quá bài bản, nhưng vẫn được định giá theo cách lấy diện tích xây dựng nhân với đơn giá hiện hành rồi nhân với tỉ lệ còn lại, khiến giá trị của một số DN có mức cao hơn giá trị thực tế sẽ sinh lời gấp nhiều lần.
Nguồn: nongnghiep.vn