Cần chính sách chăn nuôi nông hộ

Cần chính sách chăn nuôi nông hộ
Chương trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi rất cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho khu vực chăn nuôi nông hộ.


VAI TRÒ CÒN LỚN

Trong chuyến công tác tới một số địa phương cùng ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), chúng tôi được ông chia sẻ, hiện tại ngành công nghiệp chưa thu hút được nhiều nguồn lao động nông thôn trong khi lĩnh vực trồng trọt phần lớn đã đến ngưỡng của diện tích gieo trồng và năng suất.


Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương thăm mô hình chăn nuôi nông hộ tại Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam

Ngược lại, ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển về thị trường và các nguồn lực khác, trong đó có kinh nghiệm, nguồn lực của khu vực chăn nuôi nông hộ như lao động, chuồng trại.

Nhưng ông Dương cũng lưu ý, chăn nuôi nông hộ hiện đã biến đổi nhiều so với trước đây, nuôi 1 - 2 con lợn hay 5 - 7 con gà theo kiểu tận dụng “cơm thừa canh cặn, đắt nuôi rẻ bỏ” không thể coi là chăn nuôi chuyên nghiệp, rất khó tồn tại. Người chăn nuôi bây giờ cần phải biết các kiến thức về lựa chọn con giống, phối trộn thức ăn, phòng chống dịch bệnh, xử lí môi trường và thị trường.

Thực tế, ngành chăn nuôi đã và đang chia thành hai phân khúc thị trường rõ rệt, thực phẩm cho các khu đô thị, thành phố lớn, khu công nghiệp sẽ do chăn nuôi trang trại đảm nhận còn chăn nuôi nông hộ đáp ứng nhu cầu thực phẩm ở các vùng nông thôn, đô thị nhỏ.

Tại Thanh Hóa, một trong những địa phương chăn nuôi nông hộ vẫn là ngành đặc thù, chúng tôi được ông Lê Văn Hiển - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong năm 2013 do ảnh hưởng của giá cả thị trường và dịch bệnh, chăn nuôi tại Thanh Hóa có sự biến đổi theo hướng suy giảm nhẹ về đầu gia súc, gia cầm, song một số sản phẩm chính thịt, trứng vẫn tăng so với năm 2012. Trên địa bàn tỉnh hiện có 144 trang trại (trong đó khoảng 100 trang trại lớn) còn lại chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ.

Ông Hiển cho rằng, để chăn nuôi nông hộ chuyên nghiệp hơn, nhất thiết phải có chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nên hỗ trợ theo hướng tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, không nên hỗ trợ theo kiểu cho không.

Trong những năm qua, Thanh Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ hiệu quả.

Ví dụ, để thúc đẩy chăn nuôi trâu, bò thịt ở các vùng chưa có điều kiện thụ tinh nhân tạo, tỉnh đã hỗ trợ tiền mua con giống ban đầu 10 triệu đối với trâu đực và 8 triệu đối với bò đực và 200 nghìn đồng tiền chăm sóc hàng tháng cho mỗi hộ nuôi trâu, bò đực phối giống cho trâu, bò cái của các hộ xung quanh. Nhờ đó, đàn trâu, bò của Thanh Hóa được cải thiện tầm vóc và chất lượng thịt đáng kể, đặc biệt tại các huyện khu vực phía tây của tỉnh.

Về các loại con giống khác, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 7 trại lợn và 1 trại giống gia cầm đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu con giống. Ông Hiển cũng đề nghị, Chính phủ nên sớm có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi khâu giống, TĂCN, kiểm soát dịch bệnh bởi những khâu này có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi nông hộ.

HƯỚNG ĐẾN CHUYÊN NGHIỆP

Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ mà Cục Chăn nuôi đang hoàn thiện để trình Bộ NN-PTNT và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung chủ yếu hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hỗ trợ vào các khâu thiết yếu nhất mà khu vực chăn nuôi nông hộ đang còn yếu kém và có tác động đến nhiều hộ như sản xuất con giống, thụ tinh nhân tạo, vacxin và xử lý môi trường…

Tại Hà Nam, tỉnh có chủ trương và phong trào chăn nuôi nông hộ khá phát triển hiện nay, chúng tôi chứng kiến sự chuyển mình rõ nét trong cách thức và quy mô chăn nuôi nông hộ tại đây. Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, địa phương có nghề chăn nuôi lợn phát triển gần như nhất trong cả nước, với tổng số đầu lợn thịt siêu nạc có mặt thường xuyên trên 50.000 con (bình quân 50 con/hộ) khối lượng xuất chuồng giao động từ 100-130kg/con. Người dân nơi đây đã sinh sống bằng nghề này trên 10 năm nay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam, hiện chăn nuôi nông hộ Hà Nam khó khăn nhất là khâu vốn và vấn đề môi trường, còn các vấn đề khác như dịch bệnh, thị trường… không quá đáng ngại bởi khi chăn nuôi nông hộ phát triển đến ngưỡng chuyên nghiệp, người nông dân sẽ tự biết phải làm gì.

Thực tế, hàng trăm hộ nuôi lợn tại Ngọc Lũ đều tự tiêm phòng và chữa bệnh cho đàn lợn mà không cần đến cán bộ thú y cơ sở và hầu như ít khi xảy ra dịch bệnh lớn dù mật độ chăn nuôi rất cao. Tuy vậy, vấn đề môi trường với Ngọc Lũ khá nhức nhối khi gần như mọi hệ thống xử lí chất thải của xã đã quá tải, tỉ lệ các hộ chăn nuôi lợn có hầm biogas chỉ chiếm khoảng 50%.

Theo bà con, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hầm biogas như hiện nay không thấm vào đâu, khi chi phí xây dựng lên tới hàng chục triệu đồng một hầm quy mô loại nhỏ. Do đó, người dân tại Ngọc Lũ khẩn thiết đề nghị hỗ trợ về môi trường, nếu không một thời gian ngắn nữa, vấn đề chất thải trong chăn nuôi sẽ gây nhiều hậu quả.

Ông Trần Duy Phương là người chăn nuôi lớn tại thôn 1, xã Ngọc Lũ, tâm sự: Toàn thôn có 200 hộ thì có tới 187 hộ chăn nuôi lợn, bình quân hơn 50 con/hộ. Do biết cách chăn nuôi, nhất là việc tự phối trộn thức ăn mà người chăn nuôi nơi đây chưa bao giờ thua lỗ, ngay cả khi giá lợn xuống thấp tới đáy của năm 2012. Thông thường, người dân ở đây chỉ nuôi cám viên đến khi lợn được 30kg, từ 30kg đến lúc xuất bán bà con mua cám đậm đặc trộn với ngô, thóc gạo, sắn...

Theo cách này, tính ra mỗi con lợn hơi từ 1-1,2 tạ có thể tiết kiệm được 400-500 nghìn đồng so với chăn cám viên. Lợn ăn cám trộn vừa ngon lại chắc thịt.

“Tôi chân thành khuyên các hộ chăn nuôi nông hộ nên phối trộn thức ăn. Cũng nhân đây, chúng tôi đề nghị các nhà khoa học cần phổ biến rộng rãi cho người chăn nuôi biết cách thức lựa chọn con giống, phối trộn thức ăn, kiểm soát dịch bệnh và môi trường sao cho hiệu quả nhất. Theo tôi, đây mới là cách tốt nhất hỗ trợ người chăn nuôi”, ông Phương bôc bạch.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, trong Dự thảo tái cơ cấu ngành chăn nuôi mà Cục Chăn nuôi đang hoàn thiện, sẽ tập trung vào 4 nội dung chính là: Tái cơ cấu về loại vật nuôi, về vùng chăn nuôi, phương thức chăn nuôi và giết mổ chế biến gia súc gia cầm. Trong đó nội dung tái cơ cấu về phương thức chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ là việc cần làm ngay.

Nguyễn Hân
Theo nongnghiep.vn