Cao Bằng: Xây nhà, sắm xe nhờ đưa nuôi bò vào... nghị quyết

Với mục tiêu “ít nhất mỗi nhà có một con bò”, loài gia súc này đã trở thành vật nuôi giúp xoá đói, giảm nghèo hiệu quả cho đồng bào Mông, Nùng, Lô Lô, Sán Chỉ ở Bảo Lâm - một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Cao Bằng.
Nhờ nuôi bò, nhiều hộ gia đình ở Bảo Lâm đã vươn lên thoát nghèo.

3 cùng với nông dân

Với 90% diện tích là núi đá, chăn nuôi đại gia súc trở thành ngành kinh tế trọng điểm để xoá đói, giảm nghèo ở huyện Bảo Lâm. Thấy rõ lợi thế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định đưa phát triển chăn nuôi bò thành Nghị quyết Đảng bộ, rồi thành lập ban chỉ đạo, tập trung các nguồn vốn, vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, trồng cỏ voi, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi bò.

Nếu trước đây, bò thả rông “leo núi” kiếm ăn hoặc theo người lên nương, vào núi kiếm cỏ dại, thân cây ngô, thì nay đa phần người Mông đã biết nuôi nhốt kết hợp với chăn thả ở những ruộng cỏ tự trồng.

Các giống cỏ cho năng suất cao như cỏ voi, cỏ Guatemala, VA06 sinh trưởng nhanh gấp nhiều lần các loại cỏ khác trên đất cằn cỗi nên nhiều hộ đã trồng để làm thức ăn cho bò. Bà con còn được hướng dẫn trồng, thu hoạch cỏ đúng kỹ thuật, chế biến rơm, cỏ khô dự trữ thức ăn cho bò và gia súc mùa đông.

“Lên Bảo Lâm bây giờ, chủ đàn bò nào cũng có thể giải thích vanh vách cách bảo quản thức ăn, bổ sung đạm, khoáng trong khẩu phần theo mùa; phòng chống dịch bệnh cho bò. Đó là kết quả sau nhiều năm chúng tôi lăn lộn “3 cùng” với bà con”- ông Hoàng Văn Chức- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm tâm sự.

Xây nhà, sắm xe nhờ nuôi bò

Đến thăm gia đình anh Phùng Văn Hái ở xóm Nà Cút, xã Thái Học, chúng tôi tận mắt chứng kiến quy trình xén cỏ, trộn bã men ủ chua cho bò ăn khá “chuyên nghiệp” của vợ chồng anh. Anh Hái bảo: “Năm 1992, mình vay Ngân hàng NNPTNT 1,8 triệu đồng để mua 1 con bò cái sinh sản và 1 con bê. Bê lớn, mình bán đi lại mua bò sinh sản về. Cứ tiếp tục nuôi rồi bán đi như thế, hiện giờ nhà mình đã có đàn bò 25 con”.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm, đàn bò toàn huyện tăng từ 24 nghìn con năm 2005 lên 36 nghìn con năm 2013, tốc độ tăng trưởng đàn bò là 7%/năm, trồng 1.000ha cỏ voi. Bò thịt bán ra 3.000 con/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 4%/năm.
 

Chỉ vào ngôi nhà sàn 7 gian khang trang, vững chãi của mình, anh tự hào bảo: “Ngôi nhà này dựng được là nhờ tiền bán bò đấy, con cái học hành, 2 chiếc xe máy, hơn 2.000 mét vuông ruộng đất cũng từ bò mà ra”. Theo anh Hái, giống bò gia đình nuôi là giống của địa phương, còn gọi là bò u - giống bò độc nhất vô nhị chỉ có ở Bảo Lâm với thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao như bò tót, cơ bắp cuồn cuộn, to hơn bất cứ giống bò nội địa nào...

Không chỉ thích hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Bảo Lâm, bò u còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại vật nuôi khác. Hiện giá bán bò hơi là hơn 100.000 đồng/kg; thịt bò u loại ngon là gần 300.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi con bò u cân nặng 2-3 tạ, có giá trị trên dưới 30 triệu đồng – đó là cả một gia tài lớn đối với đồng bào vùng cao. Hơn nữa, lễ hội “Thi bò đẹp và chọi bò” Bảo Lâm là lễ hội lớn nhất tỉnh Cao Bằng và khu vực miền núi phía Bắc, thu hút nhiều khách trong và ngoài tỉnh tới thăm.

Ông Hoàng Văn Chức cho hay: “Ở Bảo Lâm có rất nhiều hộ nuôi bò. Nhà có nhiều bò lại đưa bò cho nhà không có bò để nuôi rẽ. Bò mẹ sinh con thứ nhất, người nuôi sẽ chăm sóc bê 2 năm rồi trả cho chủ bò, bò sinh con bê thứ 2, người nuôi được con bê này.

Cứ thế lần lượt, đến khi bò sinh được khoảng 8 con (trung bình mỗi năm 1 con), thì chủ sẽ lấy bò mẹ về bán lấy thịt. Với hình thức này, các hộ gia đình vừa duy trì được đàn bò với số lượng lớn, vừa giúp được những hộ còn khó khăn phát triển kinh tế”.