Cho vay đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67: Vẫn chưa thể giải ngân vốn

Cho vay đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67: Vẫn chưa thể giải ngân vốn
Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, đã có 10 quyết định, 8 thông tư được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước ban hành, hướng dẫn triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay, các tổ chức tín dụng vẫn chưa thể giải ngân vốn do các địa phương chưa phê duyệt danh sách chủ tàu được tham gia chương trình.



Ngư dân xã Tam Quang (Núi Thành - Quảng Nam) đóng mới tàu cá công suất lớn.

Tại buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Để ngư dân vững vàng vươn khơi” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng  4/11, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Nghị định 67 với những quy định thông thoáng, cởi mở trong việc hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu, đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá đang được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong ngành khai thác, chế biến thủy, hải sản. Để được vay vốn, ngư dân đăng ký với chính quyền địa phương, xã, huyện lập danh sách những đơn vị, cá nhân có nhu cầu vay vốn đóng mới, cải hoán tàu trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, các tổ chức tín dụng mới giải ngân vốn dựa trên phương án sản xuất kinh doanh của người vay vốn. “Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có địa phương nào phê duyệt danh sách được vay vốn nên các ngân hàng chưa thể giải ngân”, ông Tuấn nói.

Lý giải về sự chậm trễ này, ông Tuấn cho rằng, do các địa phương chưa tích cực vào cuộc tuyên truyền chính sách đến người dân, đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn. Muốn đồng vốn sớm được giải ngân thì đội ngũ cán bộ cần phải vào cuộc tích cực hơn nữa.

Ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, ngay sau khi nghị định được ban hành, có chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã quán triệt nội dung chính sách đến tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch, đồng thời ra chỉ thị yêu cầu phải công khai, minh bạch mọi thủ tục, quy trình tiếp cận vốn; cán bộ tín dụng đồng hành cùng ngư dân, hỗ trợ bà con làm thủ tục vay vốn. Trước những băn khoăn, lo lắng của một số ngư dân về thủ tục, ông Thành khẳng định, BIDV đã xây dựng các biểu mẫu, các phương án vay vốn trên cơ sở đơn giản, dễ hiểu để ngư dân có thể làm các thủ tục để được vay vốn. Dự kiến, BIDV dành khoảng 3.000 tỷ đồng cho chương trình này và sẽ giải ngân vốn ngay sau khi các địa phương phê duyệt danh sách, đồng thời ngư dân trình bày được dự án sản xuất kinh doanh khả thi.

Một số ngư dân ở Quảng Nam băn khoăn về chỉ tiêu phân bổ đóng mới tàu giữa các địa phương không phù hợp (Quảng Nam chỉ tiêu đóng mới 92 trong khi danh sách đăng ký lên đến 150 tàu). Về vấn đề này, ông Tuấn cho rằng, việc phân bổ chỉ tiêu là để đảm bảo đúng quy hoạch của ngành khai thác thủy sản đến năm 2020 (phấn đấu có 95.000 tàu, trong đó có 30.000 tàu đánh bắt xa bờ; hiện nay có 117.000 tàu, 25 tàu đánh bắt xa bờ); đồng thời nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi không cho đóng mới tàu tràn lan mà chú trọng nâng cao công suất, chất lượng, vươn khơi bám biển dài ngày.

Đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt 21 mẫu tàu vỏ sắt mới. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện đánh bắt của địa phương, ngư dân có thể thay đổi thiết kế cho phù hợp sau khi làm đơn xin phép thay đổi và được Tổng cục Thủy sản đồng ý.

Khánh Nguyên
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn