Chuyển đổi cây trồng cần mang tính ổn định

Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm mục đích vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân.
36-38-PR-BinhDien-1-7f
Doanh nhân Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Đặc biệt là trong giai đoạn biến đổi khí hậu có những diễn biến phức tạp, khiến nhiều diện tích trong khu vực ĐBSCL không thể xuống giống lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên thực tế được nhiều địa phương thực hiện và đạt những kết quả nhất định, từ đó thấy rằng đây là một chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, để việc chuyển đổi mang tính bền vững, tránh tình trạng bà con nông dân thấy cây nào có giá thì chặt bỏ để trồng cây mới, khi cây mới trồng đến lúc thu hoạch rớt giá lại chặt bỏ, điệp khúc này xảy ra thường xuyên và làm thiệt hại kinh tế cho bà con nông dân rất lớn. Trong việc chuyển đổi, yếu tố quyết định đầu tiên là phải gắn với thị trường, là khâu liên kết để tiêu thụ sản phẩm và khâu liên kết hợp tác để sản xuất hàng hóa, bà con muốn có thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững thì sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, an toàn và giá cả hợp lý.

Muốn vậy, phải liên kết sản xuất để thực hiện theo gói đồng loạt. Một số nước không có những cánh đồng cò bay thẳng cánh như ở Việt Nam, vì nhiều đồi núi, sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất đai manh mún, nhưng nông sản vẫn xuất đi rất nhiều nước. Bởi họ sản xuất khép kín, bằng mô hình liên kết, bằng hợp tác xã, cơ giới hóa từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói và có doanh nghiệp tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, sự liên kết gắn trách nhiệm với nhau một cách chặt chẽ.

Chính điều này tạo được niềm tin ở người tiêu dùng. Sự liên kết ở Việt Nam hình thành từ lâu và lấy tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP làm chuẩn để sản xuất theo quy trình khép kín. Tuy nhiên, việc này diễn ra vẫn mang tính tự phát, không bài bản nên rất dễ bị tổn thương khi thị trường có những biến động.

 

Chuyển đổi cây trồng là việc làm tất yếu, nhưng để đạt được tính bền vững và thành công, các địa phương cần có những kế hoạch và quy hoạch, có những giải pháp đồng bộ về vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng và kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia liên kết một cách rõ ràng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân yên tâm tham gia. Có như vậy, việc chuyển đổi cây trồng mới mang tính ổn định.

Lê Quốc Phong/ Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền.