Chuyển đổi nông nghiệp thành công là động lực tăng trưởng của Việt Nam
- Chủ nhật - 02/10/2016 05:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là một nội dung trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 27/9 với chủ đề “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam - Tăng giá trị, giảm đầu vào”.
Phân tích chi tiết những cơ hội và thách thức trong ngành nông nghiệp, báo cáo của WB khẳng định: Để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế của mình, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường nâng cao giá trị.
WB ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp với việc Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà phê, chè, hạt điều, hạt tiêu đen, cao su và sắn.
Nhưng WB nhận định: Chất lượng tăng trưởng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số hiện tượng như tỉ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, tỉ lệ thiếu việc làm còn cao trong lao động nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp, trình độ sáng tạo công nghệ và thể chế còn non yếu.
Bên cạnh đó, tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu vẫn dựa trên tăng vụ, tăng sử dụng vật tư đầu vào (phân bón) và tài nguyên thiên nhiên (nước).
Theo WB, động lực tăng trưởng dựa nhiều vào khối lượng như hiện tại không phải là hướng đi lâu dài.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam phân tích: Ngành nông nghiệp tạo ra sản phẩm với một cái giá cao phải trả về môi trường, vì vậy cần thay đổi để vượt qua những thách thức này góp phần bảo đảm tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân Việt Nam được tốt hơn.
Trước những vấn đề của nông nghiệp Việt Nam, WB đề xuất một số khuyến nghị như: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường các biện pháp ưu đãi, hợp lý hóa cung cấp dịch vụ, để qua đó khuyến khích và theo dõi phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao hiệu quả hệ thống an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
Nhà nước cũng nên xem xét áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn, tạo hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.
“Một hệ thống nông nghiệp linh hoạt, dựa trên thị trường và dựa trên tri thức thì giảm sự can thiệp của Nhà nước, sẽ là đòi hỏi tất yếu để thực hiện công cuộc hiện đại hóa một cách thành công hơn”, WB khuyến nghị.
Theo chinhphu.vn