Chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang cạnh tranh quốc tế

Chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang cạnh tranh quốc tế
Trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn.

SXNN sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, chưa bao giờ SXNN có những thuận lợi như lúc này. Đó là sự quan tâm sâu sắc, có trách nhiệm cao của từng đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến từng đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh; làn sóng tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Những thành tựu của 5 năm tái cơ cấu ngành NN – PTNT là rất đáng trân trọng và tự hào. Các đánh giá này sẽ được phân tích làm rõ thêm tại Hội nghị toàn quốc do Chính phủ và Bộ NN – PTNT tổ chức dự kiến diễn ra vào ngày mai (10/11) tại Hà Nội.  

Tạo được chuyển biến tích cực

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, vấn đề căn cốt nhất là việc toàn ngành triển khai thực hiện chủ trương của Đảng của Chính phủ đúng hướng và phù hợp với thực tiễn khách quan cũng như tình hình chung thế giới. Điểm nổi bật nhất là đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất về quan điểm, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của các nhà khoa học, của ba con nông dân và cộng đồng các doanh nghiệp nông nghiệp…

Khẳng định về ý nghĩa của thành công bước đầu này, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạo, trong nước còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, thiên tai nặng nề, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự ủng hộ và phối hợp của các Bộ, Ban ngành cộng với quyết tâm cao của toàn ngành nông nghiệp trong tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu nên đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Trong đó phải kể đến là đã cụ thể hóa Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp thành các Đề án Tái cơ cấu từng lĩnh vực cụ thể, kế hoạch chuyên đề và Đề án/kế hoạch của địa phương; tạo được sự thống nhất ở các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, nông dân và doanh nghiệp. Từ đó thấy rõ nhu cầu, sự cần thiết cấp bách và quyết tâm phải cơ cấu lại nền nông nghiệp truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém sang nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế. Chuyển SXNN từ lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang ứng dụng KHCN và cải tiến quản trị.

Các hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị đã hình thành và đang khẳng định tính ưu việt. HTXNN được củng cố và tổ chức lại theo Luật, nhiều HTX đã làm tốt vai trò là tổ chức của nông dân làm đối tác hiệu quả với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. SXNN ứng dụng KHKT tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, người dân.   

Hệ thống cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện hơn, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho ngành, doanh nghiệp và nông dân nên đã phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù sáng tạo của bà con nông dân, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tác động tích cực tới chuyển đổi cơ cấu SXNN, cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn và xây dưng NTM.  

SXNN phát triển lên tầm cao mới

Điều này được thể hiện qua cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường. Quy mô và sức SXNN Việt Nam đã tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho tiêu dùng trong nước và trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. So với mục tiêu của Đề án và Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại nông nghiệp, đến nay đã đạt và dự kiến sẽ đạt các mục tiêu sau:

Nông nghiệp đã duy trì được tăng trưởng đạt bình quân 2,55%/năm, dự kiến năm 2018 đạt 3,4%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến đạt khá cao.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh, bình quân tăng 6,1%/năm, thặng dư thương mại hàng năm chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh, năm 2017 năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, bình quân tăng 6,67%/năm, gần gấp đôi mục tiêu đề ra (tăng 3,5%/năm).

Thu nhập và mức sống cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện: thu nhập hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng, gấp 1,71 lần so với năm 2012 và gấp 3,5 lần so với năm 2008, vượt mục tiêu đề ra. An ninh lương thực được bảo đảm, an ninh dinh dưỡng được cải thiện.

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2017 đạt 34,4%, đến tháng 10/2018 đã vượt mục tiêu năm 2018 có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn và năm 2020 sẽ vượt mục tiêu 50%.

Tuy đạt được nhiều kết quả như trên, nhưng cơ cấu lại nông nghiệp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và có những hạn chế, yếu kém cần phải được tiếp tục tháo gỡ và nỗ lực thực hiện mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

So với Bộ tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại, một số tiêu chí sẽ rất khó đạt nếu không có sự đầu tư thích đáng và tổ chức thực hiện quyết liệt, đó là: tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; Tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các hình thức hợp tác, liên kết; Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi có xử lý chất thải bằng các giải pháp hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và an toàn môi trường.

Cần ưu tiên hơn nữa vốn đầu tư công cho “tam nông”

Từ những kết quả đạt được, toàn ngành nhận thấy một số bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy. Đó là lợi thế và năng lực sản xuất nông nghiệp là rất lớn nên giải quyết tốt vấn đề thị trường là tiền đề quyết định cho quá trình cơ cấu lại và tăng trưởng của nông nghiệp. Tăng cường công tác giám sát và đánh giá phát hiện, động viên và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; nhất là các mô hình về tổ chức sản xuất.

Phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp tạo thuận lợi hơn nữa cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cơ cấu lại nông nghiệp là một quá trình, đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực, không thể nóng vội, hình thức.

Vì vậy, cần tiếp tục ưu tiên hơn nữa vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn và có chính sách tốt huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
 

Theo Văn Hùng/nongnghiep.vn