Cơ cấu lại ngành nông nghiệp - Tháo gỡ các “điểm nghẽn”
- Thứ sáu - 05/01/2018 09:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Doanh nghiệp còn bị “bó chân”
Theo ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù Tp. Hồ Chí Minh tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống nhất nước, tuy nhiên, số doanh nghiệp trực tiếp làm nghiên cứu lai tạo giống mới, sản xuất giống liên quan đến rau, hoa không nhiều, chỉ vài doanh nghiệp có tên tuổi.
Trong 6 năm gần đây, số giống các công ty tự nghiên cứu lai tạo chỉ có 12 giống, chủ yếu là rau. Ảnh minh họa: Phạm Kiên - TTXVN
Cụ thể, trong 6 năm gần đây, số lượng giống mới được đưa vào sản xuất kinh doanh là 267 giống, nhưng số giống các công ty tự nghiên cứu lai tạo chỉ có 12 giống, chủ yếu là rau. Phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh, nhập khẩu giống và đóng gói cung cấp cho sản xuất hoặc gia công hạt giống từ các giống nhập nội.
Đề cập đến vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất giống, ông Nguyễn Văn Thành, Chi hội trưởng Chi hội Thương mại giống cây trồng Đông Nam bộ cho biết: Phần lớn các công ty sản xuất giống hiện nay đều gặp khó khăn về đất sản xuất khi muốn đầu tư ở Tp. Hồ Chí Minh.
Hiện thành phố có hơn 200 công ty nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống cây trồng hoạt động và có trụ sở chính trên địa bàn. Thế nhưng, hầu hết các công ty này đều phải thuê đất và tổ chức nghiên cứu sản xuất các loại hạt giống cây trồng trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này đã làm tăng chi phí và giá thành, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành nghề.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Tô Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Giống cây trồng Trung Nông cũng cho rằng, vấn đề vốn và đất sản xuất vẫn đang là những khó khăn mà doanh nghiệp khó có thể vượt qua dù vẫn biết ngành này có thể mang về nhiều lợi nhuận.
“Chỉ riêng hạt giống dưa hấu, hàng năm Việt Nam nhập từ 25-30 tấn hạt giống, trị giá 3-5 triệu USD. Công ty chúng tôi có giống dưa hấu 388, đã được trung tâm kiểm định giống thành phố trồng so sánh và kết quả cho thấy giống 388 có năng suất và chất lượng bằng với top đầu của công ty khác. Tuy nhiên, để sản xuất ra 25-30 tấn hạt giống cần đến 250-300 ha đất. Tìm đâu ra nguồn đất này ở thành phố?”, ông Trung chia sẻ.
TS. Trần Việt Hà, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù 55% diện tích đất tự nhiên ở thành phố là sản xuất nông nghiệp, nhưng đất làm giống lại thiếu trong khi hiệu quả từ sản xuất giống là cao nhất.
Theo TS. Trần Việt Hà, trong số 40 nhà đầu tư nộp đơn xin vào khu nông nghiệp công nghệ cao thuê đất sản xuất thì có 8 doanh nghiệp sản xuất giống các loại, nhưng quỹ đất hơn 80 ha của khu đã hết. Trong khi đó, thành phố đã có chủ trương mở rộng diện tích khu nông nghiệp công nghệ cao hiện có cũng như mở thêm nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Chánh, Cần Giờ nhưng việc triển khai rất chậm.
Thúc đẩy hợp tác công tư trong ngành giống
Từ thực tế kinh nghiệm phát triển ngành giống của các nước, GS TS Bùi Chí Bửu cho biết, bài học từ các quốc gia sản xuất giống hàng đầu thế giới hiện nay như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, mô hình hợp tác công tư (PPP) đã phát huy khá hiệu quả trong việc phát triển ngành giống ở các nước này.
Cụ thể, muốn trở thành trung tâm giống phải có doanh nghiệp sản xuất giống, bởi với khả năng, kinh nghiệm của doanh nghiệp sẽ giúp cho định hướng của Chính phủ tốt hơn, có giải pháp khả thi về thị trường.
Tuy nhiên, nếu hoàn toàn dựa vào doanh nghiệp thì có khả năng dẫn đến độc quyền và cạnh tranh quá mức làm mất an ninh lương thực. Khi đó, Nhà nước sẽ đóng vai trò điều phối các bên liên quan, nhất là các Viện, trường trong việc nghiên cứu giống qua việc tạo điều kiện và hỗ trợ bằng chính sách, đảm bảo về sở hữu trí tuệ...
Với mô hình này, Tp. Hồ Chí Minh có thể tính đến thực hiện khi đặt mục tiêu trở thành trung tâm giống của khu vực phía Nam. Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, thành phố cần định hướng và đầu tư thỏa đáng cho khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như làm tốt việc kết nối giữa nhà khoa học, nông dân để đưa kết quả từ nghiên cứu vào sản xuất. Còn doanh nghiệp đảm nhận phần tiêu thụ cũng như nắm bắt nhu cầu của thị trường để đặt hàng lại cho nhà khoa học.
Trong những năm qua, Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư vài chục triệu USD để xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học quy mô 23 ha và khu nông nghiệp công nghệ cao trên 80 ha... là hướng phát triển đúng đắn. Tuy nhiên, Thành phố cũng cần đầu tư thêm Phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISTA (International Seed Testing Association), để hỗ trợ hàng hóa có thể xuất khẩu đi các nước đạt chuẩn quốc tế.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dương Hoa Xô cho rằng, do các doanh nghiệp thường có chiến lược phát triển riêng để đạt lợi nhuận tối đa, vì vậy, nếu thành phố có khuyến khích doanh nghiệp tham gia như nghiên cứu sản xuất giống thì thành phố phải có cơ chế hỗ trợ ban đầu.
Chẳng hạn, trong trường hợp doanh nghiệp đang tập trung sản xuất lúa, ngô, giống rau mà thành phố đặt hàng nghiên cứu sản xuất giống hoa thì cũng nên có chính sách hỗ trợ ban đầu như ưu tiên đề tài nghiên cứu từ quỹ Khoa học công nghệ, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Theo ông Nguyễn Văn Thành, việc kêu gọi đầu tư vào ngành giống cần phù hợp với nông nghiệp đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là phù hợp với mục tiêu của chương trình giống cây con chất lượng cao của thành phố.
Trong đó, tập trung tăng cường năng lực cho nghiên cứu chọn tạo giống ưu thế lai, cao sản, kết hợp công nghệ cao bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gen, ứng dụng công nghệ cao như nuôi cấy mô, xây dựng nhà kính, nhà lưới.
Đồng thời, đưa công nghệ thông tin vào quản lý nhằm nâng cao chất lượng, phát triển bền vững ngành giống cây trồng; Phấn đấu trên 80% các loại hạt giống khi đưa ra thị trường thì phải qua công nghệ chế biến tiên tiến như máy sấy, máy sàng phân loại, xử lý, đóng gói hạt giống.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh phát triển sản xuất nông nghiệp như hiện nay, việc xây dựng Luật về Giống là hết sức cần thiết để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Ngành giống hiện đang chịu sự điều chỉnh pháp luật theo Pháp lệnh về giống cây trồng, Luật về sở hữu trí tuệ và các luật khác liên quan đến sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên trên thực tế, các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền giống gốc, giống bố mẹ vẫn diễn ra. Đây là một trong những rào cản cần tháo gỡ để thúc đẩy ngành giống phát triển hiệu quả không chỉ riêng ở Tp. Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh, thành khác./.
Theo TTXVN