Cú hích chuyển đổi cây trồng
- Thứ tư - 07/05/2014 23:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong bối cảnh lúa gạo tồn đọng lớn, giá cả sụt giảm mạnh, cuộc sống hàng triệu nông dântrồng lúa ở ĐBSCL gặp khó khăn, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng nhiều chuyên gia xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở khu vực này là vấn đề rất cần thiết. Vừa qua, tại Tiền Giang, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bắp (ngô) và cây rau màu tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Ảnh minh họa
Năm 2013, toàn vùng ĐBSCL đã chuyển đổi được hơn 87.300ha đất trồng lúa sang trồng màu. Dự kiến đến năm 2015, diện tích được chuyển sang trồng màu sẽ đạt 112.000ha và đến năm 2020 đạt 204.000ha, trong đó sẽ dành 53.000ha cho trồng bắp. Thực tế, những diện tích chuyển đổi từ trồng lúa sang luân canh đậu nành, bắp, mè… thời gian qua mang lại hiệu quả cao hơn sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm. Tuy nhiên, cũng không ít nông sản như dưa hấu, rau màu, cây ăn trái đang tuột giá thảm hại, nhiều nơi phải đổ bỏ xuống kênh rạch hoặc cho trâu bò ăn, nông dân điêu đứng.
Điều này tác động không nhỏ đến tâm lý của chính quyền và cả nông dân. Khi đề cập đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện rộng, các tỉnh đều e ngại. Với bất kỳ cây trồng nào, khi phát triển mạnh về diện tích, áp lực tiêu thụ chắc chắn sẽ cực lớn. Tại hội nghị trên, không ít đại biểu đã nêu lên những băn khoăn, khó khăn, vướng mắc hiện nay như kế hoạch sản xuất ngắn hạn, nhỏ lẻ tạo ra chuỗi giá trị thấp và chưa ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật. Vì vậy, doanh nghiệp không thể tổ chức thu mua sản phẩm với chất lượng đồng đều và đồng loạt trong một thời điểm nhất định. Quy trình bảo quản và chế biến chưa tốt nên sản phẩm sản xuất ra chưa thể tồn trữ lâu được và chưa có nguồn tiêu thụ ổn định.
Điều đó cho thấy, việc chuyển đổi sản xuất không thể lạc quan và ảo tưởng, dù đã có chủ trương. Cần nhìn nhận rằng đây là một quá trình, phải có vận động, thuyết phục và đồng thời phải có đủ cơ chế đồng bộ mới chuyển đổi được. Đặc biệt chuyển đổi trong điều kiện nước ta hội nhập sâu vào kinh tế thị trường thế giới như hiện nay thì việc chuyển đổi nhất thiết phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường. Việc triển khai chuyển đổi trên diện tích lớn, nhà nước phải tính đến hệ quả, nhất là quy luật cung cầu, các rào cản kỹ thuật, chính sách bảo hộ cho nông dân (bằng cách trợ giá sản xuất, hỗ trợ cơ giới hóa phù hợp…). Ngoài ra, nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ chi phí mua giống, tập huấn sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng. Kịp thời thông tin về thị trường, phát triển các hoạt động tín dụng ngắn hạn cho mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, Bộ NN-PTNT đã đề ra các giải pháp thực hiện, như: Hoàn thiện về thể chế và chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất trồng lúa; hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi của các vùng chuyển đổi; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa sản xuất… Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương lựa chọn cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân chuyển đổi. Trên cơ sở kết quả các mô hình và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định các công thức luân canh giữa lúa và các cây trồng khác đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất. Đặc biệt, chỉ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khi nắm vững được thị trường tiêu thụ.
Câu hỏi “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” trong 2 thập niên nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Để tạo ra cú hích mạnh cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngay từ bây giờ các địa phương phải nhanh chóng tiến hành quy hoạch, hình thành những cánh đồng mẫu lớn và tập trung đầu tư thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chuyển đổi có hiệu quả, phù hợp với trình độ canh tác, tập quán sản xuất, điều kiện đất đai của từng vùng để nông dân tham khảo, áp dụng. Bên cạnh đó, cần ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu về giống cao sản, giống lai, giống có phẩm chất cao, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như kháng được những loại sâu bệnh nguy hiểm vào sản xuất đại trà. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định và bền vững cho việc tiêu thụ sản phẩm…
Hàm Luông/ Báo SGGP