Đầu ra cho nông sản: Tìm giải pháp “tấm lòng” là không ổn!

Đầu ra cho nông sản: Tìm giải pháp “tấm lòng” là không ổn!
Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, giải pháp tìm đầu ra cho nông sản ở “tấm lòng” là không ổn. Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch lo ngại thực trạng người nông dân làm theo phong trào, bỏ mọi thứ để trồng cây mắc ca.

 

“Người dân bỏ mọi thứ để đi trồng cây mắc ca”

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cho hay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là khu vực nông nghiệp tiếp tục có những khó khăn. Trong quý I, nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,14% - là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua. Do đó, chúng ta cần có những cảnh báo, giải pháp đối với lĩnh vực nông nghiệp.Theo đó, đại biểu Ngân đề xuất Quốc hội cần ra một nghị quyết về nông nghiệp, cần xác định công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tri thức hoá nền nông nghiệp Việt Nam là ưu tiên hàng đầu.
“Chúng ta cần có một nghị quyết, nếu không sự tăng trưởng kinh tế sẽ không bền vững. Từ nghị quyết đó, chúng ta có được điều kiện để ưu tiên hơn cho đầu tư công lĩnh vực tam nông. Trong lĩnh vực hội nhập, chúng ta thấy ngành nông nghiệp là lợi thế nhưng cuối cùng lại là thách thức, ở chỗ chi phí sản xuất, chăn nuôi, thức ăn, đầu vào cho nông nghiệp tăng hơn… Rồi sẽ có một lúc nào đó chúng ta phải nhập nông sản đầu vào, thịt gà, thịt heo…”.
Còn theo đại biểu Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn đại biểu TPHCM, thực trạng nền nông nghiệp trong điều kiện kinh tế hiện nay gọi là sản xuất thừa, kể cả trong nước lẫn xuất khẩu.
Ông Lịch cho hay, nền nông nghiệp đang bán thứ sản xuất được chứ không phải bán thứ thị trường cần. Trong đó, có thực tế tồn tại Nhà nước để người nông dân làm theo phong trào, chịu tác động thị trường.
“Gần đây người dân bỏ mọi thứ để đi trồng cây mắc ca. Quản lý nhà nước gì mà cứ để người dân làm tự phát. Người nông dân đang chao đảo. Việc này rất nguy hiểm. Những vấn đề này phải đem ra mổ xẻ cụ thể và khuyến nghị cụ thể như thế nào đây?”, đại biểu Lịch trăn trở.
Đề cập tới nguyên nhân, ông Lịch cho rằng, đó là do “quá chậm tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Nếu không sửa được gốc đó thì chúng ta cứ xoa thế này thì nó xoay qua xoay lại hoài”.

Quả dưa hấu thời gian qua đã được tiêu thụ bởi nhiều tấm lòng.
Quả dưa hấu thời gian qua đã được tiêu thụ bởi nhiều "tấm lòng".Chia sẻ tại cuộc họp, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP HCM) cho biết, bà tình cờ đọc một bài báo của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 15 năm về trước nói về tình hình nông nghiệp. Bài báo nêu tình hình nông nghiệp nan giải, người sản xuất nông nghiệp bị dồn vào thế bí, hang hoá vừa bị giảm giá, vừa không bán được và phải đối mặt với diễn biến mưa lũ.
“15 năm rồi, giờ tình hình vẫn như thế. Vừa qua, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề giải quyết sản phẩm nông nghiệp, chỉ thấy Bộ trưởng tìm con đường bán hàng thôi, chứ không có giải quyết căn cơ về vấn đề đầu ra. Cái gốc là chất lượng sản phẩm, sản xuất như thế nào để mình cạnh tranh được?”.
Và theo bình luận của vị đại biểu này, đó “chẳng qua là giải pháp tấm lòng ở trong nước. Nay đi tìm giải pháp tấm lòng ở nước ngoài. Như vậy là không ổn. Phải có giải pháp gì căn cơ hơn, doanh nghiệp, người dân đang rất bức xúc. Hội nhập đã bước vào rồi, cửa mở thênh thang rồi…”.
Tổ chức thị trường có vấn đề
Từ việc sinh viên đi bán dưa hấu giúp nông dân, đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hoá) khẳng định, rõ ràng tổ chức thị trường có vấn đề.
“Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng lại để xảy ra tình trạng nông sản ách tắc không tiêu thụ được, lí do là chúng ta quá bị động vào thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc mà bỏ ngỏ thị trường nội địa. Trách nhiệm ở đây là của Bộ Công Thương và chính quyền địa phương”, đại biểu Lê Minh Thông nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu này, Bộ Công Thương cần xem xét việc tổ chức thị trường thế nào khiến nông sản không thể tiêu thụ? Cùng với đó, các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương vào cuộc ra sao khi xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản?
Vấn đề về dưa hấu chưa được giải quyết dứt điểm thì đại biểu Thông tiếp tục đề cập tới vải Lục Ngạn chuẩn bị vào mùa. “Nhiều người đang lo lắng và sợ nếu không chắc chắn đầu ra thì vải Lục Ngạn sẽ lại đi theo “vết xe đổ” của dưa hấu”,  đại biểu Thông cho hay.
Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa cho rằng, giải pháp để giải quyết tình hình hiện nay là phải phát triển thị trường nội địa, nông sản tiêu thụ ngay trên thị trường của chúng ta chứ không bị động hoặc phụ thuộc vào thị trường khác như “đường đi” của dưa hấu là xuất khẩu sang Trung Quốc. Chính phủ phải có giải pháp căn bản hơn nữa, dài hơi hơn nữa thì mới giải quyết dứt điểm vấn đề tổ chức thị trường hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp là vấn đề đáng phải quan tâm nhất hiện nay. Lý do được đại biểu đưa ra là 4 tháng đầu năm, tình hình kinh tế tăng trưởng khá tốt nhưng riêng trong lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng lại thấp hơn so với cùng kỳ 2014. Do vậy, đại biểu đề nghị giải pháp mạnh mẽ hơn để đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng với ví trí của nó trong tổng thể nền kinh tế.
“Vừa qua chúng ta có một số giải pháp tình thế như vận động sự ủng hộ của người tiêu dùng với một số sản phẩm nông nghiệp như dưa hấu, muối, hành tím… Tôi cho rằng cách xử lý này chỉ có thể ứng phó với một số nông hộ thôi. Còn với cả nền nông nghiệp mà cứ kêu gọi lòng từ thiện của cả xã hội để xử lý thì không có hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh nói.
Những bất cập khác cũng được đại biểu Khánh nêu ra như số xã, số huyện đạt được tiêu chí nông thôn mới rất nhiều. Ngoài ra, cơ sở vật chất hạ tầng tăng nhưng đầu tư cho chuyển đổi, sản xuất, công nghệ mới, thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động thì không rõ rệt.
Theo đại biểu, giải pháp căn cơ, lâu dài mang tính chiến lược cho nông nghiệp, trước hết là quy hoạch sản xuất gắn với thị trường. Trên cơ sở đó dự báo tình hình sản xuất để điều chỉnh hợp lý và tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp.
Qua khảo sát thực tiễn, đại biểu Trần Ngọc Thuận (Bình Phước) cho rằng, nông nghiệp vẫn gặp tình trạng khó khăn, vẫn có tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các doanh nghiệp, người dẫn vẫn chưa chủ động về thị trường, đầu ra cho nông sản. “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt, ban hành nhưng việc triển khai vẫn còn lúng túng”, đại biểu Thuận nói.
Theo Dantri.com.vn