Đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu nông nghiệp
- Thứ bảy - 25/04/2015 11:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, các cân đối kinh tế lớn được bảo đảm. Lạm phát (CPI) tháng 4 tăng 0,14%, 4 tháng tăng 0,04%. Kinh tế tiếp tục phát triển tích cực ở tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục xu hướng tăng, 4 tháng tăng 9,4%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 10%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5%; vốn ODA giải ngân đạt hơn 550 triệu USD, tăng 11,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 8,84%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nổi lên một số hạn chế, khó khăn như nhập siêu gia tăng, có thể sẽ tạo sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế; số lượng khách du lịch tháng 4 tăng so với tháng trước nhưng tính chung cả 4 tháng lại giảm; tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hạn hán gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ; việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn…
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, nhưng không được chủ quan, đặc biệt khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp.
“Tinh thần chung là tiếp tục nỗ lực, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm. Chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2015 với các cơ sở cho thấy nếu quyết liệt thì khả năng đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2015 là khả thi” - Thủ tướng phát biểu.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trên cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, xuất hiện khó khăn nào cần tập trung xử lý. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân; đồng thời xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. “Trước mắt phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ, về lâu dài, phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất” - Thủ tướng yêu cầu và thúc giục Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung và đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các biện pháp khơi thông dòng vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và nhập siêu; tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy và tạo sự đột phá trong lĩnh vực du lịch, nhất là thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. “Các đồng chí phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bong” bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý” - Thủ tướng lưu ý trước những cảnh báo có thể xảy ra khi thị trường bất động sản đang “ấm” lên và nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đã tăng đáng kể.
Về kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu không được chủ quan dù đang được kiểm soát khá tốt. Phải theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến của lạm phát. Tập trung kiểm soát chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm, mức bội chi đã được Quốc hội thông qua. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công.
Về nhiệm vụ tái cơ cấu, Thủ tướng yều cầu tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công đồng thời với việc khẩn trương chuẩn bị Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; tập trung giải ngân vốn ODA và tính toán vốn đối ứng đầy đủ cho các dự án quan trọng, trọng điểm. Về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo và trọng tâm là kế hoạch cổ phần hóa. Giao Bộ Giao thông vận tải sớm xây dựng, hoàn thiện Đề án về xã hội hóa các công trình hạ tầng giao thông trình Chính phủ xem xét. Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tái Đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đã được thông qua gắn với quyết liệt xử lý nợ xấu. “Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Kiên quyết không để lặp lại tình trạng ngân hàng thương mại yếu kém” - Thủ tướng dứt khoát.
Về các nhiệm vụ khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục và quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ và chú trọng nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, bao gồm các các Luật có hiệu lực trong năm 2015, phấn đấu không còn để nợ đọng văn bản; đề cao trách nhiệm giải trình trong xây dựng văn bản pháp luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông; kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ, kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế lao động. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, theo đó các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin, giải trình, giải thích về tất cả những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý, nhất là những chính sách có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. “Chúng ta lo phát triển, lo cho dân nhưng phải công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát và đồng thuận” - Thủ tướng nhắc nhở.
Tại phiên họp, sau khi nghe Chính báo cáo về việc bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tăng cường quản lý về lĩnh vực này. Chính phủ đã nghe báo cáo và nhất trí với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phân bổ đợt 2 là 572 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ.
Tại phiên họp, sau khi nghe Bộ Quốc phòng báo cáo về việc 2 máy bay Su22-M4 thuộc sư đoàn Không quân 370 bị nạn trên vùng biển tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục tập trung tổ chức tìm kiếm cứu nạn; điều tra, xác minh nguyên nhân tai nạn. Theo Bộ Quốc phòng, 2 máy bay gặp nạn mặc dù đã sử dụng nhiều năm nhưng vẫn đang còn trong niên hạn sử dụng, công tác đảm bảo kỹ thuật hàng năm vẫn được thực hiện đầy đủ theo quy định.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn