Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm

Ngày 26-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, đầu cầu các địa phương.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghệp, trong những năm qua, nhất là năm 2016 tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đóng góp lớn cho an sinh xã hội đất nước. Thủ tướng cũng nêu rõ, chưa bao giờ, thiên tai lại dồn dập, khốc liệt như thời gian qua, làm GDP ước tính bị giảm 1%. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở NN-PTNT các địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn.

Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là lợi thế so sánh cần được phát huy trong thời đại mới, phát triển toàn diện, bảo đảm an ninh lương thực. Thủ tướng lưu ý ngành nông nghiệp cần chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm. Nền nông nghiệp phải chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu; hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng mạnh tới xuất khẩu. Do đó, chúng ta phải xây dựng nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ cao, tạo giá trị lớn, giải quyết vấn đề an sinh xã hội trực tiếp, cải thiện đời sống của bà con nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng cho rằng, dư địa tăng trưởng cho nông nghiệp còn lớn, vấn đề đặt ra nếu có cơ chế, chính sách, phương thức chỉ đạo phù hợp thì ngành sẽ phát triển mạnh hơn.

Đề cập các giải pháp thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo, trước tiên cần sớm khắc phục thiên tai, trong đó ưu tiên khôi phục các hạ tầng quan trọng; cần tổ chức một vụ Đông Xuân đặc biệt trong hoàn cảnh bị thiên tai như vừa qua; phải lo Tết cho bà con vùng bị thiên tai, phải phục hồi sản xuất. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chứ không phải chạy theo sản lượng, số lượng; cần thành lập “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu nông nghiệp. Tiếp tục tổ chức sản xuất phù hợp; các công ty lâm nghiệp, các HTX tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng hiệu quả. Tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tham gia chuỗi giá trị sản xuất; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Tiếp tục khai thác lợi thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, khai thác các thế mạnh sản phẩm, các nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm lợi thế địa phương, đặc sản vùng miền; nhân rộng mô hình mỗi làng một nghề như ở tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông thôn theo hướng chống chịu được thiên tai. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển; những thể chế, chính sách nào rằng buộc sự phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) thì cần phải kiến nghị bãi bỏ. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống các cấp chính quyền. Coi trọng cả số lượng và chất lượng trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên tinh thần nâng cao đời sống thực chất, bảo đảm môi trường sống cho người nông dân chứ không phải chỉ lo đầu tư xây dựng hạ tầng.

Về khoa học công nghệ nông nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cần dành ngân sách phù hợp nghiên cứu sản phẩm mới cho NN-NT. Các Bộ trưởng, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố phải quan tâm NN-NT. Giám đốc các Sở NN-PTNT phải là người thạo về NN-NT, hiểu biết về vùng đất, lợi thế cây trồng, vật nuôi, thủy lợi ở địa phương. Phải thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển NN-NT; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm công tác NN-NT trên tinh thần làm gì cũng phải nghĩ đến dân, nhất là người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phải ý thức rõ những thách thức đang phải đối mặt, từ đó tập trung nguồn lực, tri thức cho phát triển nông nghiệp, phải hiểu nỗi khổ của nông dân mới nghiên cứu ra những thứ mà người nông dân cần.

Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của ngành nông nghiệp; giao Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cùng với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất quy mô lớn; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng hạn mức tín dụng cho phát triển nông nghiệp; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển NN-NT, từ đó sửa đổi cơ chế, chính sách phù hợp. Bộ Công thương chịu trách nhiệm phát triển thị trường, đàm phán tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy xuất khẩu nông sản; các đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại, nhà ngoại giao phải nỗ lực quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông nghiệp. Các địa phương phải chỉ đạo xây dựng kế hoạch quyết liệt triển khai tái cơ cấu nông nghiệp địa phương, không được tái cơ cấu nửa vời, “trên giấy”. Các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổng công ty ngành nông nghiệp phải có chương trình thiết thực phù hợp trong đào tạo, nghiên cứu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 1,2%, giá trị sản sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 5,4%; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản..., đặc biệt, mặt hàng rau quả đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so năm 2015. Đến cuối năm 2016, cả nước đã có 2.235 xã (chiếm 25,07%) đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn: Bộ NN-PTNT


 Theo Hà Thanh Giang/nhandan.com.vn