Đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm
- Thứ năm - 02/07/2015 00:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 1/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015.
|
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ NN&PTNT (Ảnh: ML) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu thụ nông, thủy sản diễn biến bất lợi, giá một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh nhưng 6 tháng đầu năm nay sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 2,36%; giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489 nghìn tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 14 tỷ 420 triệu đô la, giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế và tồn tại như: triển khai Đề án tái cơ cấu ngành còn chậm và chưa đồng bộ; một số nông sản vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ. Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản vẫn chưa được ngăn chặn, tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng một số ngành sản xuất vượt quy hoạch nhưng thiếu chế tài xử lý.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo rà soát, tái cơ cấu lại thị trường xuất khẩu nông sản để mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Bên cạnh đó mạnh dạn thay đổi các hình thức tổ chức sản xuất, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển và phục hồi đà tăng trưởng của ngành,…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp trong những tháng cuối năm, nhiệm vụ của ngành rất lớn, cần sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trực thuộc trong triển khai các chính sách, giải pháp toàn diện.
Trong đó, cần triển khai quyết liệt tái cơ cấu trên các lĩnh vực của ngành nhằm phục hồi đà tăng trưởng; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, ngành nông nghiệp vẫn cần duy trì tốc độ tăng trưởng như 6 tháng vừa qua nhưng phải nỗ lực gia tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp cần làm ra thêm 22 nghìn tỷ đồng để ngành sẽ tăng trưởng với giá trị tổng sản lượng là 3,4% và giá trị gia tăng xấp xỉ 3% như mong đợi của Chính phủ./.
Theodangcongansan.vn