Điểm lại một số kết quả đã đạt được của đề án Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam
- Thứ hai - 26/01/2015 04:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xuất khẩu năm 2014 đạt hơn 30 tỷ USD
“Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013. Mục tiêu đề án nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế của nông nghiệp Việt Nam, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện đề án, Bộ NN&PTNT đã phổ biến, hướng dẫn triển khai Đề án tổng thể tới tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ và 63 Sở NN&PTNT, Đảng bộ đã tổ chức nhiều các đợt tập huấn giới thiệu Đề án đến các cơ sở trực thuộc. Đề án đã được cụ thể hóa nội dung, giải pháp tái cơ cấu tới các ngành, lĩnh vực và nhiều địa phương; xác định lộ trình thực hiện, đồng thời nhiều hoạt động thực tiễn đã được triển khai thực hiện có kết quả. Trong lĩnh vực Thủy sản: đến năm 2013, hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu năm đạt 6,7 tỷ USD, tăng 4,5 lần so với năm 2000, bình quân tăng 12,69%/năm góp phần đưa ngành thủy sản vào danh sách 10 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới…Bộ NN&PTNT cũng đã đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn; kiện toàn bộ máy, tổ chức và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân; chấn chỉnh công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành. Trong lĩnh vực Trồng trọt, Bộ đã tiến hành rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực và xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của các địa phương và nhu cầu thị trường. Trong 6 tháng cuối năm 2013, đầu năm 2014, Bộ đã phối hợp với các địa phương, hướng dẫn nông dân chuyển đổi trên 87.000 ha lúa sang trồng ngô, vừng, rau…
Tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25/12/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Những thành tích vượt bậc đạt được trong năm 2014 chính là tiền đề để phát triển mạnh ngành nông nghiệp trong năm 2015. “Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước cũng đã lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng và xuất khẩu được phát triển, mở rộng mang lại giá trị thu nhập cao hơn cho người nông dân,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng cho biết, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được kết quả khá toàn diện, tái cơ cấu ngành được tập trung triển khai thực hiện góp phần vào tăng trưởng ngành với tốc độ khá cao. Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,6%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,3%, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%. Mặt khác, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014.
Năm 2015, ngành nông nghiệp xác định là cột mốc quan trọng để hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Theo đó, năm 2015, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu hướng tới tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0-3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014 (trong đó, trồng trọt 2,5-2,8%, chăn nuôi 2,8-3,2%, lâm nghiệp 6,0-6,5%, thủy sản 6,0-6,5%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt 32 tỷ USD.
Năng suất cao, nông dân vẫn nghèo
Nông nghiệp Việt Nam hiện đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 70% dân cư, là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế đất nước và ổn định chính trị - xã hội. So với thời kỳ trước đổi mới, Nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc: giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong một thời gian dài, sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, xuất khẩu tăng trưởng với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, ngổn ngang trước mắt. Mặc dù ngành đã đạt được những thành tích nhất định nhưng tốc độ tăng trưởng 10 năm gần đây chỉ đạt từ 3 - 4%. Tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất (lao động, vốn, vật tư) và nguồn lực tự nhiên cao. Những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn khó khăn, thu nhập thấp, qua đây cho thấy hiệu quả kém bền vững. Phát biểu tại Hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn” diễn ra sáng 17/1/2015 tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trân Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Hiện nay, Việt Nam có 12 cây con năng suất sinh học cao nhất thế giới từ lúa, tiêu, điều, trà, cà phê, cá tra…. Tuy nhiên, nông dân vẫn nghèo, vì từng hộ nông dân không có khả năng đàm phán về giá vật tư đầu vào và giá bán ra. Đầu vào tăng giá, đầu ra ép giá chính là gọng kìm ép chặt thu nhập của người nông dân. Chính vì vậy phải tái cơ cấu thị trường cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được việc triển khai Đề án ở các địa phương còn chậm, lúng túng. Một số ý kiến đề xuất, cần tiếp tục cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu theo các lĩnh vực, các chuyên ngành, vùng miền; đổi mới cơ chế chính sách, nhất là việc áp dụng khoa học công nghệ phải được triển khai mạnh mẽ và triệt để hơn nữa. Theo Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, mặc dù các Bộ, ngành Trung ương luôn quan tâm, song tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại, nhiều lĩnh vực hiệu quả thấp, gặp nhiều khó khăn và kém bền vững. Sản lượng các loại sản phẩm, xuất khẩu đều tăng mạnh, nhưng thu nhập của nông dân vẫn thấp, đời sống còn khó khăn. Mặt khác, gần đây sản xuất nông nghiệp đã và đang có dấu hiệu gây tác động tiêu cực đến môi trường như làm giảm đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm nguồn nước, tăng chi phí sản xuất và đe dọa tính bền vững của tăng trưởng. Trong tương lai, nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh nguồn lực cho tăng trưởng với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Chí phí sản xuất nhiều loại sản phẩm ngày càng cao cũng bắt đầu làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp với vị thế nhà sản xuất “chi phí thấp” trên trường quốc tế. Nông nghiệp sẽ phải nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn vệ sinh thực phẩm trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu, tổ chức và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất.